Cập nhật nội dung chi tiết về Lịch Sử Văn Minh Châu Âu (5): Phục Hưng mới nhất trên website Welovelevis.com. Hy vọng thông tin trong bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu ngoài mong đợi của bạn, chúng tôi sẽ làm việc thường xuyên để cập nhật nội dung mới nhằm giúp bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất.
LỊCH SỬ VĂN MINH CHÂU ÂU (5): PHỤC HƯNG – KHI ĐẠI BÀNG VỖ CÁNH
Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức
Bằng cách này hay cách khác, Phục hưng là thuật ngữ được dùng để diễn tả một khía cạnh đặc biệt của nền văn hóa châu Âu ở ngưỡng cửa năm 1500. Nền văn hóa đó khởi đầu cho lịch sử hiện đại châu Âu […]. Thời kỳ phục hưng tỏ ra là một khoảnh khắc đặc biệt trong số phận con người của xứ hoàng hôn, là tuyên ngôn mặc khải của người thế tục, là thời khắc sinh thành của thế giới hiện đại[1]. Sử gia kinh tế R. Romano và A. Tenenti, giáo sư đại học Paris
“Thời đại phục hưng” không phải là một thuật ngữ được sáng chế bởi người đương thời, mà được các nhà sử học thế kỷ 19 dùng để chỉ một giai đoạn lịch sử đặc thù ở cuối thời kỳ trung cổ châu Âu. Thuật ngữ tiếng Pháp ” Renaissance” (có nghĩa là Hồi sinh – Rebirth) được nhà sử học Jules Michelet sử dụng lần đầu năm 1858. Hai năm sau, sử gia văn hóa Jacob Burckhardt người Thụy Sĩ thánh hóa nó trong tác phẩm kinh điển nổi tiếng với tựa đề “Văn hóa Phục hưng ở Ý”[2]. Dù sách được viết bằng tiếng Đức, Burckhardt cũng cố ý dùng lại thuật ngữ tiếng Pháp Renaissance trong toàn bộ nội dung và cả tựa đề[3]. Từ đó về sau, Renaissance dần dần trở thành ngôn ngữ quốc tế và phổ biến rộng trong các nước thuộc văn hóa la-tinh, mặc dù mỗi nước đều có thuật ngữ địa phương riêng và thỉnh thoảng cũng được sử dụng trong sách vở của họ. Riêng ở Ý, nơi sinh thành của phong trào phục hưng, thì thuật ngữ địa phương Rinascimento được lưu truyền phổ biến rộng.
Nói đến phục hưng, trước hết chúng ta cần phân biệt vài thuật ngữ vốn dĩ có nội dung tương đối khác nhau, nhưng rất dễ lẫn lộn với nhau.
Trước hết, trào lưu nghệ thuật phục hưng là tên gọi của trào lưu kế tiếp sau nghệ thuật Gothic vốn dĩ đã kéo dài từ thế kỷ 12 cho đến ngưỡng cửa năm 1500. Sau hơn một thế kỷ hưng thịnh, nghệ thuật phục hưng bắt đầu tàn lụi ở khoảng cuối thế kỷ thứ 16 và nhường chỗ cho trào lưu Baroque. Tuy chỉ là nghệ thuật nhưng trào lưu này là điểm khởi đầu cho một thời đại mới, thời đại phục hưng, chấm dứt xã hội trung cổ để bước vào thời hiện đại. Vì tầm quan trọng của trào lưu nghệ thuật này, chúng ta sẽ có một chương riêng cho nó.
Thứ hai, phong trào phục hưng hay còn được gọi là thời đại phục hưng hoặc thời kỳ phục hưng để chỉ một trào lưu rộng lớn bao gồm nhiều mặt: văn hóa, nghệ thuật, triết học, xã hội, chính trị và khoa học. Phong trào này phát triển mạnh mẽ nhất vào thế kỷ 15 và 16 nhưng nó không có một biên giới rõ rệt lúc khởi đầu và lúc suy tàn. Tinh thần phục hưng vốn đã có nguồn gốc từ phong trào dịch thuật từ thế kỷ 12, nó trở lại và phát triển hưng thịnh trong thế kỷ 15/16, sau đó phong trào phục hưng còn để lại ảnh hưởng lâu dài lên châu Âu trong những thế kỷ tiếp theo. Rõ rệt nhất là phong trào khai sáng thế kỷ 17/18, vốn dĩ là sự hồi sinh của phong trào khai minh Hy Lạp được bắt đầu từ thời đại Protagoras thế kỷ thứ 5 trước công nguyên[4], rồi bị chôn vùi trong lịch sử suốt gần 2000 năm, và được đánh thức dậy bởi phong trào phục hưng nhưng tự nó chưa tạo được một trào lưu sống động trong mọi tầng lớp xã hội, mà chỉ được lưu truyền ưa chuộng trong giới học giả. Phong trào khai sáng đã kế thừa tinh thần phục hưng, rồi tương thích với thời đại mới để kết tủa thành một trào lưu cách mạng, vừa có nội dung tư tưởng cao mang tính chất dẫn đường, vừa được hỗ trợ bằng sức mạnh của quãng đại quần chúng.
Thời kỳ phục hưng bắt đầu từ lúc nào? Mỗi sử gia có một cách định mốc thời gian khác nhau. Thí dụ, giáo sư Denys Hay lấy năm 1453 làm chuẩn, tức là năm Byzantine sụp đổ sau khi kinh đô Constantinople thất thủ vào tay đế chế Ottoman[5], cho nên các học giả chuyên về văn minh cổ đại ào ạt di tản về phương Tây, mang theo tài liệu, sách vở và các công trình văn hóa, góp phần cho trào lưu học thuật mới phát triển mạnh. Giáo sư Ilan Rachum thì xem 1415 là điểm khởi đầu khi chủ nghĩa nhân bản đang hưng thịnh, đồng thời cũng là năm quan trọng trong lịch sử thời trung cổ với trận đánh lớn ở Agincourt[6]. Tiến sĩ H. A. Stützer thì lấy thập niên 1420 làm mốc vì ông xem danh họa Masaccio (1401-1428) là kẻ khai sinh hội họa phục hưng[7]. Vài sử gia khác thì xem năm sinh của nhà nhân bản tiên phong Francesco Petrarca (1304-1374) là khởi điểm; thời gian đó cũng có một biến cố lịch sử đặc biệt khác: Dante Alighieri bắt đầu viết tác phẩm bất tử , tập thơ quan trọng nhất của văn chương thơ phú được lưu truyền rộng rãi trong thời đại phục hưng.
Trong hậu bán thế kỷ 15, khoa học và triết học cổ đại được dịch và phổ biến rộng trong giới học thuật ở Ý; về kinh tế, các cộng hòa Ý chứng kiến một sự hưng thịnh hiếm có với nhiều nghề nghiệp mới mẻ trong lĩnh vực tài chánh; kỹ nghệ đồ gốm phát triển đã nuôi dưỡng nhiều nghệ nhân có năng khiếu. Đó cũng là thời gian thành danh của nhà khoa học tiên phong Nicolaus Copernicus (1473-1543), những cuộc thám hiểm liên lục địa của Tây Ban Nha và Bồ đào Nha (1492-1519), và ý thức phản kháng trổi dậy ươm mầm cho phong trào cải cách tôn giáo (1517). Nhưng có một biến cố cần nói đến đã tác động vào quá trình phát triển lịch sử, ấy là kỹ thuật in ấn được phát minh tại Đức năm 1450 bởi Johannes Gutenberg song song với ngành sản xuất giấy được cải thiện trước đó bởi người Ý. Nhờ thế mà các nguồn văn chương, nghệ thuật và triết học du nhập từ Byzantine kể từ sau khi thất thủ năm 1453 được truyền bá nhanh chóng tại Tây Âu, góp phần vào việc phát triển trào lưu văn hóa mới.
Nếu ranh giới thời gian rất nhạt nhòa khó minh định, thì nguồn gốc hình thành nên thời đại phục hưng lại rất rõ rệt: đó là điểm hội tụ của một chuỗi sự kiện lịch sử đặc biệt chưa bao giờ có trước đó. Nội dung của phong trào phục hưng thì rất phong phú, nó bao gồm hầu hết các lĩnh vực quan trọng, tạo nên những thành tố cần thiết để giã từ nếp sống trung cổ lạc hậu và tiến đến một xã hội văn minh trong thời đại mới. Và sau cùng là hậu quả của nó: Phục hưng quả là một cơn địa chấn, nó để lại những dấu vết không thể xóa nhòa trong nhiều thế kỷ tiếp theo, trước hết là ở châu Âu và sau nữa là cho toàn nhân loại.
Để đi sâu bàn luận về thời đại phục hưng, chúng ta thử trả lời vài câu hỏi: Phục hưng là làm sống lại những gì, mang nội dung tư tưởng nào? Phục hưng được thành hình và phát triển trong bối cảnh nào? Tác động của phong trào phục hưng lên lịch sử châu Âu như thế nào?
Phục hưng – Hồi sinh những giá trị gì?
Phục hưng được khởi đầu bằng sự trở về với văn hóa Hy Lạp và La Mã thời cổ đại. Đó là thời kỳ hoàng kim với nhiều thành quả rất phong phú về mọi mặt triết học, toán học, y khoa, vật lý, thiên văn v.v… với rất nhiều học giả uyên thâm mà tri thức của họ vẫn còn được ca tụng trong thế kỷ 21. Sau hơn một thiên niên kỷ bưng bít, nhu cầu trao dồi tri thức trong giới học giả trung cổ được đánh thức dậy khi họ có cơ hội tiếp cận với sách vở tài liệu thời cổ đại, nhất là khi một số tác phẩm quan trọng được dịch ra tiếng la-tinh kể từ thế kỷ 12. Nhưng phải đợi đến thế kỷ 15, sáng kiến phục hồi nền văn minh cổ đại mới thực sự thành hình và bộc phát mạnh mẽ, khi nguồn tài liệu từ Byzantine ngày càng nhiều và đa dạng, và nhất là khi hệ thống giáo dục nhân bản đã trở thành một xu hướng rõ rệt trong xã hội Ý. Kể từ đây, phong trào phục hưng và chủ nghĩa nhân bản đi liền nhau như bóng với hình. Con người phục hưng và người nhân bản luôn luôn sát cánh nhau trong một thời kỳ, khi xu hướng chuyển hóa triệt để vẫn còn gặp nhiều rào cản xã hội, chính trị và tôn giáo.
Phục Hưng và văn chương triết học
Trước hết, khái niệm quan trọng nhất được “hồi sinh” trong thời đại phục hưng là gì? Câu trả lời: Ấy là sáng kiến đặt con người vào trung tâm của mọi suy nghĩ và hành động. Như triết gia Hy Lạp Protagoras đã nói trong thế kỷ thứ năm trước công nguyên: Con người là thước đo của vạn vật[9].
Trở về với Protagoras thời cổ đại cũng có nghĩa là giương cao khẩu hiệu trứ danh nói trên. Ông đã thực sự đặt cơ sở ban đầu cho vấn đề nhận thức, một bước tiến quan trọng trong tư duy triết học[10]. Điều đó có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, có sức mạnh lay chuyển hệ tư tưởng đã được bám rễ từ lâu trong thế giới Kitô. Mặc dù giới học giả trước sau vẫn là những tín đồ sùng đạo, nhưng họ đã bắt đầu từ giả thái độ thuần phục thần thánh, và tìm cách trở lại với chủ thể nhận thức có đầy đủ tinh thần tự do cá nhân, tư duy độc lập và năng lực hoạt động sáng tạo. Đó chính là gốc rễ của mọi sự phát minh và tiến bộ, thúc đẩy xã hội châu Âu tiến lên, từ giả nếp sống trung cổ để bước vào kỷ nguyên hiện đại.
Suốt cả 1000 năm sau khi đế chế Tây La Mã sụp đổ, con người đã giao khoán mọi trách nhiệm về đời sống tinh thần của chính mình cho những người đại diện của Thượng Đế trên trần gian, tức là Giáo Hoàng ở Rome, các vị Giám Mục, linh mục và cha xứ. Điều đó xuất phát từ một xác tín bất di dịch rằng, chỉ như thế họ mới được cứu rỗi và được ban phép lành vĩnh viễn[11].
Cho nên khi các học giả phục hưng trở về với văn hóa cổ đại, với những điều phát hiện bất ngờ như tư tưởng của Protagoras, họ bỗng ngạc nhiên thấy rằng người Hy Lạp và La Mã hành xử một cách hoàn toàn khác, lo-gic hơn, gần gủi với con người thế tục hơn. Rõ ràng nhất là người La Mã, mặc dù vẫn có niềm tin vững chắc vào thần thánh, nhưng trước sau họ vẫn là những người có tinh thần trách nhiệm với chính bản thân mình, và sẵn sàng nhận lãnh mọi hậu quả của lỗi lầm do chính mình gây nên. Tuyệt vời biết bao khi con người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để nắm lấy vận mệnh của mình. Ở đây chúng ta thấy rõ hơn một điều: nền triết học trừu tượng của Hy Lạp kết hợp với tinh thần thực dụng của người La Mã đã để lại dấu ấn lâu dài lên nền văn hóa, mà xã hội châu Âu còn thừa kế cho đến hôm nay.
Tư tưởng Hy Lạp – La Mã cổ đại ấy tất yếu ảnh hưởng lên cách nhìn của con người phục hưng đối với guống máy cai trị. Họ khước từ quan niệm về một nhà nước thần quyền. Thay vào đó, một nhà nước thế tục và một xã hội thế tục cần được xây dựng lại, trong đó những con người thế tục như họ phải được nắm lấy toàn bộ trách nhiệm. Họ chấp nhận các lãnh đạo tôn giáo như những cố vấn, chứ không thể như là các lãnh chúa.
Phải chăng chúng ta trong thế kỷ 21 hôm nay đã kế thừa tư tưởng của những người phục hưng để xây dựng các nhà nước dân chủ đang hiện hữu khắp nơi, dù rằng mỗi nước có những dạng thức dân chủ khác nhau, trình độ dân chủ cao thấp cũng khác nhau?
Cũng cần nhận thức rằng, phong trào phục hưng trước hết là sự tôn vinh giá trị nghệ thuật và trí thức của thế giới cổ đại đa thần để mang vào áp dụng trong đời sống thực tế của xã hội Kitô, cho nên tính chất khoan dung của nó vô cùng lớn lao. Ngay cả một vài vị Giáo Hoàng không những cho phép mà còn trả công cho các nghệ sĩ phục hưng dùng các huyền thoại thời cổ đại đa thần để sáng tác nghệ thuật làm trang trí cho giáo đường và các công trình của giáo hội. Điều đó cũng nói lên sự nổi bật của các giá trị và sức thuyết phục cao trong nghệ thuật phục hưng[12].
Tiếc thay, khi cuộc cải cách tôn giáo bước vào thời kỳ cao điểm cuối thế kỷ 16 với hận thù tôn giáo và xung đột ý thức hệ, đi kèm với những cuộc chiến tranh vô nghĩa khắp mọi nơi trên lục địa, thì tinh thần phục hưng cũng không còn chất dinh dưỡng để tiếp tục phát triển, học giả phục hưng trở nên hoang mang và phong trào phục hưng cũng dần dần tàn lụi.
Trở lại vấn đề, phong trào phục hưng chưa tạo thành một trào lưu chính trị rộng lớn, mà chủ yếu là sản sinh ra những giá trị tinh thần, đặc biệt trong văn chương, nghệ thuật và luân lý đạo đức. Nhưng chính những giá trị ấy đã làm thay đổi tận gốc nhân sinh quan và vũ trụ quan của con người phục hưng, từ đó có tác dụng mạnh mẽ vào sự thay đổi lớn lao mọi lĩnh văn hóa, xã hội và chính trị: Nhận thức về vai trò của Giáo Hoàng và hàng giáo phẩm không còn như trước; nhà nước thế tục không thể tiếp tục tồn tại dưới hình thức như nó đã và đang ngự trị khắp nơi; triết học và khoa học cần tìm một hướng đi mới phù hợp với xu thế thời đại …
Những chuyển biến tư duy ấy đã ươm mầm cho việc nghiên cứu triết học nghiêm túc để lý giải các vấn đề nảy sinh trong xã hội đang trên bước đường chuyển hóa triệt để. Từ đó ý thức dân chủ tự do, vốn dĩ là những giá trị ưu việt của xã hội Hy Lạp cổ đại, dần dần tạo dáng trong xã hội trung cổ châu Âu, dù chưa rõ rệt nhưng đã trở thành biểu tượng cho giới trí thức hướng tới. Cho dù con đường đến dân chủ tự do còn dài và gập ghềnh sỏi đá, nhưng các nguồn lực xã hội cũng bắt đầu được giải phóng để tham gia vào công cuộc phát triển chung. Về khía cạnh này, châu Âu đã đi trước các lục địa khác một bước rất dài, cho nên những cuộc cách mạng tư tưởng trong thế kỷ 17/18 và hệ luận tất yếu của chúng là cách mạng công nghiệp và kinh tế cũng xảy ra sớm hơn so với những nơi khác. Những thay đổi làm rung chuyển thế giới trong thế kỷ 18/19, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều có gốc rễ từ phong trào phục hưng.
Về mặt văn chương triết học của phong trào phục hưng trên toàn lục địa, thời vàng son có thể được định vị ở thế kỷ 16. Mỗi nước có một tên gọi khác nhau. Ở Ý người ta gọi đó là “thời kỳ hóa bạc”, ở Tây Ban Nha vào giữa thế kỷ thì họ gọi là “thế kỷ vàng” (siglo de oro), Pháp và Anh thì gọi là “văn học phục hưng”, ở Ba Lan là “thời đại vàng son”[13].
Dù khác nhau về tên gọi, nhưng sự phát triển ở các nước đều đi theo một sơ đồ tương đối giống nhau. Đầu tiên là giai đoạn đấu tranh tư tưởng giữa một bên là những người nhân bản mới mẻ và bên kia là xu hướng kinh viện đã thành truyền thống từ lâu; tiếp đến là tranh luận về hướng đi cụ thể trên nền tảng chung là trở về nghiên cứu nền văn minh cổ đại, vì tự bản thân các nhà kinh điển Hy Lạp vẫn còn nhiều khác biệt về nguyên lý cần được làm sáng tỏ; và sau cùng khi nền giáo dục nhân bản đã trở thành xu hướng chủ đạo, hướng đi và nội dung đã rõ ràng, thì phong trào địa phương hóa nổi lên, tức là sáng tác văn thơ, triết học, diễn giải kinh thánh bằng tiếng mẹ đẻ. Điều này đã làm cho sự phát triển ngôn ngữ quốc gia đi vào một khúc quanh mới: Văn phạm ngày càng chính xác, ngôn ngữ diễn đạt ngày càng tao nhã, văn chương thơ phú ngày càng thanh lịch và dễ đi vào lòng người. Việc phát triển văn hóa ở các nước châu Âu đi vào một giai đoạn mới với ngôn ngữ, nội dung và phong thái quốc gia được phóng lên bức phông phía trước, đi kèm theo đó là những hậu quả tích cực và tiêu cực tất yếu của nó lên chính trị và xã hội trên lục địa.
Một trong những thành quả lớn của văn chương triết lý thời đại phục hưng là đã tạo nên một mẫu con người mới, với ý thức và phong cách sống vượt ra khỏi mọi khuôn phép truyền thống có sẵn. Đó là những con người hiểu biết sâu sắc chủ thể nhận thức của mình, lấy tự do cá nhân làm nền tảng cho mọi tư duy. Họ lấy cuộc đời thế tục làm điểm nhắm cho mọi cố gắng, đồng thời đưa thế giới thần thánh lùi vào sau hậu trường. Đấy là một thái độ chưa bao giờ có trong quá khứ. Văn nghệ sĩ thì đưa con người thế tục lên mặt tiền cuộc sống, sẵn sàng từ giã thế giới thần thánh với những đề tài nhàm chán không một chút sáng tạo. Giới học giả bình thường thì biết nhìn vào chiều sâu của tâm thức để định hướng cho suy nghĩ và hành động.
Sử gia văn hóa Jacob Burckhard có một sự so sánh rất sống động về sự phát triển con người thời phục hưng[14]. Trong thời trung cổ, hai mặt của nhận thức – nhìn thế giới bên ngoài và cảm nhận về nội tâm bên trong con người – giống như được ẩn dấu dưới một tấm màn thưa che mặt, được dệt bằng niềm tin tôn giáo, sự rụt rè từ lúc trẻ thơ, và những ảo tưởng mù quáng. Xuyên qua lớp màn che, thế giới bên ngoài được tô màu đẹp đẽ, trong lúc nội tâm là một khoảng trống rỗng chỉ biết có tập thể và đám đông: cùng chủng tộc, cùng giống dân, hoặc cùng đảng phái, cùng liên minh, gia đình, hoặc những gì tương tự mang tính chất cộng đồng. Trong lúc các nước khác chưa có gì thay đổi, thì lần đầu tiên ở Ý, tấm màn thưa che mặt được gió cuốn bay, thế giới hiện lên rõ rệt bằng tầm nhìn khách quan, cách hành xử của nhà nước và những vấn đề tương tự được soi rõ hơn. Trong lúc đó thì từ nội tâm, một cách nghĩ chủ quan được đánh thức dậy và con người bỗng trở thành một chủ thể độc lập vượt ra khỏi đám đông, một tình trạng mà chúng ta đã gặp trước đây ở người Hy Lạp đối với các giống dân man di, hoặc thế giới Ả Rập đối với các chủng tộc châu Á.
Chỉ trên góc nhìn từ chủ thể độc lập ấy mà ở Ý – chứ không phải nơi nào khác ở châu Âu – mới có thể xuất hiện những con người như Dante, Petrarca, Boccaccio với phong cách sáng tác văn chương thi phú mang dáng dấp mới, hướng về từng con người cụ thể trong xã hội, những con người thế tục biết yêu đương, biết để cho tâm hồn bay bỗng vào thế giới lãng mạn không tưởng, biết say đắm với nét đẹp huyền bí của thiên nhiên, biết phô diễn chủ thể tự do cá nhân và thách thức những khuôn thước gò bó trong chính trị, xã hội và tôn giáo. Nhân cách, phẩm hạnh mang tính chất tự do cá nhân cũng được rèn luyện dễ dàng hơn với một nhân sinh quan uyển chuyển như thế.
Tinh thần phục hưng đã tạo nên cho mỗi người trong xã hội một niềm tự tin mới vào chính bản thân. Đấy là những con người bắt đầu ý thức rằng, tính tự chủ là giá trị không thể bỏ quên trong một xã hội đầy rẫy hoang mang, bất công và tàn bạo như thời đại của họ đang sống, thời đại trung cổ. Trong các thế kỷ này, khái niệm tự do phổ quát trong tương quan với những diễn biến trong xã hội chưa được thành hình, huống hồ là khái quát hóa thành lý luận? Tuy nhiên tính tự chủ và ý thức tự do cá nhân là nền tảng đầu tiên để các nhà tư tưởng thời kỳ phục hưng đưa ra những khuôn mẫu mới, tạo tiền lệ cho phong trào khai sáng các thế kỷ sau dần dần hoàn thiện lý luận, góp phần thúc đẩy các cuộc cách mạng toàn diện về tư tưởng, về thể chế chính trị, về kinh tế cũng như về khoa học.
Con người phục hưng đã tự giải thoát ra khỏi mọi khuôn thước rụt rè “đồng phục” trước đây, và sẵn sàng phô diễn nét đặc thù của cá nhân, sẵn sàng làm những điều khác với mọi người. Và cũng nhờ thế mà xã hội thời phục hưng mới có thể sản sinh ra những con người khác thường, tràn đầy năng lực để sáng tạo ra những tác phẩm khác thường có giá trị vượt thời gian, những con người sẵn sàng làm chuyện kinh thiên động địa, cho dù chỉ xuất phát từ động cơ cá nhân: ước vọng được giàu sang, tiếng tăm, danh vọng. Columbus, Megallan là những thí dụ điễn hình. Những người này chắc hẳn khó thành công trong một thời đại khác với thời kỳ phục hưng.
Hơn cả những tác động nói trên lên xã hội trung cổ, phong trào phục hưng đi kèm với chủ nghĩa nhân bản thế kỷ 15 cũng có đóng góp rất lớn vào sự phát triển bước đầu cho nền triết học châu Âu. Trước đó thì tư tưởng Aristotle chiếm lĩnh hàng đầu trong toàn bộ hệ thống giáo dục cấp cao. Với sự vươn dậy của chủ nghĩa nhân bản thời phục hưng, đặc biệt trong thời gian hậu bán thế kỷ 15, vai trò của Aristotle mặc dù vẫn còn quan trọng, nhưng đã bị thách thức nghiêm trọng bởi những gương mặt mới. Các trào lưu tư tưởng khác của thời cổ đại ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong đời sống văn hóa châu Âu. Triết thuyết Plato, Epicurus, chủ nghĩa hoài nghi (S cepticism), chủ nghĩa khắc kỷ (S toicism) là một vài thí dụ[15]. Chúng ta chưa bàn vào nội dung, chỉ riêng sự đa dạng trong các trào lưu triết học đó đã là sự đóng góp quan trọng của phong trào phục hưng, là bước khởi đầu chuẩn bị cho sự thăng hoa về mặt tư tưởng trong các thế kỷ sau này.
Đặc biệt sự lên ngôi của Plato thay cho Aristotle, mà tư tưởng đã chiếm lĩnh châu Âu suốt hơn 1000 năm trước đó, là một bước ngoặc quan trọng, nó mở ra một phương hướng mới và chất lượng mới cho nghiên cứu triết học trong nhiều thế kỷ về sau. Không ít nhà nghiên cứu cho rằng “triết học Plato là cội nguồn tiến hóa của chính nền triết học châu Âu”, hoặc như Hegel: “triết học như là một khoa học được bắt đầu bằng Plato”[16].
Phục hưng và khoa học tự nhiên
Không có gì nghi ngờ rằng, một trong những bước nhảy vọt về chất lượng trong lịch sử phát triển khoa học là thời kỳ giữa thế kỷ 15 và giữa thế kỷ 16 – bước nhảy vọt không chỉ trên bình diện lý thuyết, mà nhất là trên phương diện thực hành và cách đặt các vấn đề thực tiễn[17]. Sử gia kinh tế R. Romano và A. Tenenti, giáo sư đại học Paris
Nhà nhân bản tiên phong Francesco Petrarca là người đầu tiên diễn đạt cái đẹp và sự huyền bí của thiên nhiên một cách xuất thần bằng văn chương thơ phú. Năm 1333, Petrarca leo lên ngọn đồi Mont Ventoux, nhìn về phía tây là thung lũng màu mỡ sông Rhône, phía đông là rặng núi Alps trong nắng vàng rực rỡ. Tim ông gần như ngưng đập. Cái đẹp choán ngợp tâm hồn đã tạo nên một cảm giác mới lạ về cuộc sống. Ông viết “Tôi đứng đó, xúc động ngập tràn trong làn gió thoảng và khung trời mênh mông chung quanh. Tôi nhìn xuống dưới, mây như bao phủ tới chân. Tôi nhìn lên trên, rặng núi Alps dường như với được trong tầm tay”[18].
Bức thư của Petrarca không chỉ là sự diễn đạt một cảm giác từ nội tâm, mà nó mở ra một cách nhìn mới về cuộc đời thế tục với ý thức hưởng thụ cái đẹp trong cuộc đời thực. Điều này đã trở thành điểm thu hút trong mọi quan tâm của con người về sau. Xu hướng đó ngày càng được văn thi sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ tạc tượng tiếp nhận và phổ biến trong đời sống văn hóa nghệ thuật. Tác phẩm về thiên nhiên và ca tụng thẩm mỹ ngày càng nhiều. Sự kiện đó đã đánh thức một đam mê mới lạ của những người yêu khoa học. Khám phá những bí mật huyền diệu của thiên nhiên trở thành một giá trị mới trong cuộc sống những nhà khoa học.
Lần đầu tiên trong lịch sử trung cổ, phương pháp nghiên cứu khoa học tự nhiên trở thành một khái niệm thời thượng rất được ngưỡng mộ trong giới học giả quan tâm đến khoa học. Với tinh thần tự do cá nhân và tư duy độc lập, con người không còn dễ dàng chấp nhận những mặc khải thần thánh về chân lý tuyệt đối, mà họ nhận thức rằng, việc quan sát chính xác và thử nghiệm sẽ mang lại cho họ hiểu biết về bản chất sự vật trong thiên nhiên. Khoa học đã bắt đầu tách rời khỏi thần học. Càng bỏ công nhiều vào việc tìm hiểu thiên nhiên, càng đào sâu vào việc phân tích các hiện tượng thiên nhiên, con người càng thấy rõ hơn cấu trúc bên trong của nó. Và thật huyền diệu biết bao, khi người ta có thể dùng công cụ toán học để biểu diễn những qui luật tự nhiên bên trong của chúng. Người Hy Lạp đã nhận thấy điều này trước đó 2000 năm[19]. Dù rất muộn màng, con người phục hưng đã học được từ thế giới cổ đại rằng, việc tìm tòi nghiên cứu các hiện tượng đang hiện hữu trong thiên nhiên có tính hấp dẫn hơn là tưởng niệm u hoài về một thế giới khác bên ngoài cuộc đời thế tục.
Hình 1. Người Vitruvius (Sáng tác khoảng năm 1492 theo diễn giải của kiến trúc sư Hy Lạp Vitruvius: đặc tính cơ thể con người biểu diễn bằng những khái niệm toán học). Tác giả: Leonardo da Vinci
Nguồn: Gallerie dell’Accademia, vùng công cộng
Suốt nhiều thế kỷ trong quá khứ, giới trí thức trung cổ tương đối thỏa mãn với những nguồn kiến thức có sẵn, dựa trên các tài liệu rất hiếm hoi, chủ yếu từ các bản dịch sách kinh điển của Aristotle kèm theo diễn giải từ tu viện và các đại học theo truyền thống kinh viện. Nhưng bắt đầu từ thế kỷ 14 và 15, nguồn tài liệu đến từ Ả Rập và Byzantine ngày càng nhiều, tri thức ngày càng phong phú và đa dạng được lưu truyền từ các tác giả thuộc nhiều ngành khác nhau, đại biểu cho nhiều xu hướng khác nhau, và may mắn thay, nhiều lúc mâu thuẫn nhau. Điều này càng kích thích tính tò mò và óc phê phán của học giả phục hưng. Họ tiếp nhận tri thức mới không bằng thái độ “học” như trước, mà nghiên cứu chúng một cách khách quan như nguồn tham khảo, rồi so sánh với những quan sát riêng để đưa ra phán đoán cuối cùng. Họ dần dần từ bỏ phong cách làm khoa học thời trung cổ, thậm chí phản biện và từ chối tri thức của một vài thần tượng đã chiếm ngự thế giới học giả suốt nhiều thế kỷ. Sự xuống ngôi của Aristotle và Ptolemy chỉ là vài thí dụ.
Điều đó có tác động rõ ràng nhất trong lĩnh vực khoa học tự nhiên như thiên văn, động vật, thực vật, khoáng chất, giải phẩu, y khoa, toán và vật lý. Trong các lĩnh vực này, chúng ta chứng kiến sự phát triển không ngừng về kiến thức và tiến bộ trong suốt một thế kỷ. Từ Copernicus, Tycho Brahe, Paracelsus, Vesalius, Kepler và cuối thế kỷ 16 là Galileo Galilei, người khai sinh ra nền khoa học hiện đại với phương pháp tổng hợp giữa toán học và vật lý. Những học giả này đạt đến các phát minh quan trọng cũng nhờ lòng dũng cảm và phong cách tự do, biết chọn lọc để từ giã những nhân vật đầy ảnh hưởng của văn minh cổ đại. Lấy thí dụ sự từ giã tư tưởng Aristotle. Các nhà nhân bản [mà trước hết là Francesco Petrarca] đã dọn đường một phần từ thế kỷ 14. Đến thời kỳ phục hưng thì Plato nghiễm nhiên chiếm ngự vị trí huy hoàng này[20].
Tinh thần khoa học bắt đầu từ lúc con người từ bỏ việc nhận thức sự vật bằng cảm nhận và niềm tin mà phải xem xét thật sự bản chất của hiện tượng, tìm mối liên hệ và qui luật chuyển động của chính bản thân sự vật, nếu cần thì thử nghiệm để chứng minh. Mục đích cuối cùng là đưa ra những kết luận có căn cứ. Tinh thần này khuyến khích nhà khoa học từ bỏ những tiên tri trừu tượng của thần học. Dù sùng đạo hay không, người khoa học có xu hướng từ bỏ thế giới thần thánh và trở về với đời sống thế tục và con người thế tục.
Cho nên cũng là điều dễ hiểu, khi tinh thần nghiên cứu khoa học tự nhiên bắt đầu bằng sự phản biện các học thuyết thiếu căn cứ đã bám rễ trong giới học thuật cả thiên niên kỷ trước, kết hợp với lòng dũng cảm, sẵn sàng thách thức sự chống đối thậm chí đe dọa cấm đoán cũng như kết án của giáo hội và hàng giáo phẩm. Trước hết, chúng ta phải kể đến nhà học giả Ba Lan Nicolaus Copernicus (1473-1543), người khai sinh cho tinh thần nghiên cứu khoa học trên lục địa châu Âu. Ông đưa ra luận thuyết cho rằng, vũ trụ bao gồm nhiều hành tinh kể cả quả đất, và chúng chuyển động chung quanh mặt trời.
Câu hỏi mặt đất phẳng hay cong, quả đất hình khối hay hình cầu, điều đó thì không có gì để bàn cãi, nhất là sau khi đoàn thám hiểm Magellan đi hết vòng quanh quả địa cầu. Nhưng câu hỏi khác quan trọng hơn chưa đi đến chung cuộc là, quả đất đứng yên hay chuyển động? mặt trời xoay quanh quả đất hay trái đất xoay quanh mặt trời? Aristotle, Ptolemy và hệ thống triết lý thần học Kitô đều có phán đoán chắc chắn về lý thuyết địa tâm: Quả đất là trung tâm của vũ trụ, mọi hành tinh khác kể cả mặt trời đều xoay quanh quả đất. Điều đó được xem như chân lý, không ai dám bàn cãi từ hơn 1000 năm trước.
Chưa hề biết thế nào là kính viễn vọng, mà chỉ bằng trực giác, Copernicus trước hết đã phát hiện trạng thái mà ông gọi là ” dường như chuyển động” của các hành tinh. Bằng sự tò mò, óc quan sát, qua thử nghiệm và lòng kiên nhẫn cao độ, Copernicus tiếp tục tìm hiểu và đi đến một kết luận chấn động rằng, thực sự có một chuyển động tương đối giữa các hành tinh và chúng chuyển động chung quanh mặt trời, điều mà lý thuyết cơ học của Isaac Newton (1642-1726) hơn 100 năm sau mới có một định nghĩa chính xác. Nhưng con đường dẫn đến cơ học Newton cũng xuất phát từ tư tưởng tiên phong của Copernicus[21], mà giới khoa học thường gọi là cuộc cách mạng Copernicus.
Ngày hôm nay, chúng ta khó hình dung những khó khăn nào của các khoa học gia có tư tưởng cách mạng như Copernicus trong một xã hội, nơi mà thế giới học giả xem Aristotle là thần tượng, con người thế tục thì xem lời Giáo hoàng là chân lý tuyệt đối, trong một xã hội như thế mà lại có một người học giả không có quyền thế dám đưa ra một lý thuyết mới mẻ đi ngược lại học thuyết Aristotle và đi ngược tinh thần của Thánh Kinh.
Thật thế, Giáo hoàng Clemens VII[22] không thừa nhận học thuyết của Copernicus, khi nghe ông thuyết giảng rằng mặt trời, chứ không phải quả đất là trung tâm của vũ trụ. Cả vị Giáo hoàng kế nhiệm Paul III cũng thế. Nhà thần học tin lành Martin Luther thì phản bác với trích dẫn lời nguyền của đấng sáng tạo Joshua theo diễn giải Thánh Kinh. Đặc biệt là mục sư Philipp Melanchthon xem lý thuyết của Copernicus là tà giáo, chứa đựng những tư tưởng mới lạ, tội lỗi và vô thần. Tác phẩm kinh điển ” Về sự chuyển động vòng của các hành tinh[23]” của Copernicus bị giáo hội Thiên Chúa Giáo cấm phổ biến kể từ 1616, và mãi 200 năm sau, lệnh cấm mới được thu hồi vào năm 1822[24].
Sự vươn lên của trào lưu nghiên cứu khoa học tự nhiên cũng là sự khởi đầu đi xuống của giáo hội. Các học giả nghi ngờ kiến thức và vai trò đại diện Thượng Đế của các vị giáo hoàng, họ cũng nghi ngờ tính chính danh của giáo hội trong vai trò phục vụ cộng đồng và quãng bá phúc âm. Ngay cả những lời tiên tri trong Thánh Kinh cũng không còn giá trị tuyệt đối như trước. Tinh thần phê phán, phương pháp tư duy và lòng dũng cảm của Nicolaus Copernicus đã mở ra một chân trời mới cho nền khoa học hiện đại. Khám phá của Nicolaus Copernicus về vũ trụ với việc phản bác lý thuyết địa tâm của Aristotle và Ptolemy có giá trị cao hơn một cuộc cách mạng về khoa học tự nhiên.
Nicolaus Copernicus chết năm 1543, nhưng cuộc cách mạng Copernicus vẫn mở ra cho nhân loại khả năng tiếp tục khám phá vũ trụ, một loại hoạt động khoa học kéo dài đến thế kỷ 21 ngày nay vẫn chưa chấm dứt. Nhưng đấy là chuyện không trung, vũ trụ. Ở dưới đất và ngay trong vùng tận cùng bí mật mà con người chưa bao giờ nhìn thấy cũng mở ra một cánh cửa mới, cũng trong năm 1543: Lần đầu tiên, vị bác sĩ giải phẩu người Hà Lan Andreas Vesalius (1514-1564) công bố một hình vẽ chi tiết về cấu trúc bên trong và hoạt động của cơ thể con người. Tác phẩm của Vesalius ” Cấu tạo cơ thể con người” xuất bản năm 1543 đã mở đầu cho ngành phẩu thuật hiện đại[25], một cuộc cách mạng lớn trong ngành y khoa, vừa mang tính chất khoa học thực nghiệm, vừa có ý nghĩa nhân văn, triết học và tôn giáo. Bác sĩ nổi danh thế kỷ 19 người Canada, Sir William Osler gọi đó là tác phẩm vĩ đại nhất về y khoa từng được xuất bản[26]. Tác phẩm đó xứng đáng là một cuộc cách mạng vì nó chấm đứt vai trò huyền thoại Galenus của Hy Lạp trong ngành phẩu thuật, điều chỉnh lại toàn bộ nền khoa học phẩu thuật đã có từ trước, và hoàn tất nền móng vật lý cho ngành y học hiện đại[27]. Tất cả được bắt đầu bằng tác phẩm tuyệt diệu của vị bác sĩ 29 tuổi Andreas Vesalius, đúng vào những thập niên hưng thịnh của nền khoa học phục hưng.
Sau hàng ngàn năm thụ động và duy tâm, con người phục hưng bỗng nhiên tìm thấy trong bản thân mình sức mạnh mới và một ý chí mới với niềm khát khao thay đổi thế giới. Sự giao thông rộng rãi kết hợp với những tri thức mới về toán và vật lý đã làm mọi ước mơ trở thành hiện thực, biến tư tưởng mạo hiểm trở thành những hành động hữu ích cho mình và cho xã hội.
Các cuộc thánh chiến trong hai thế kỷ 12 và 13 đã đưa người Tây Âu đến tận cửa ngõ Trung Đông và Ả Rập, tiếp cận với những nền văn hóa khác. Các đoàn thương gia đi xa hàng vạn cây số để giao thương buôn bán với các nước ở tận Đông Á. Họ không những mua bán gia vị, tơ lụa mà còn mang về sáng kiến mới, phát minh mới mà họ quan sát được từ những vùng xa xôi đó. Kết hợp với những kiến thức mới về toán và vật lý đi kèm với năng khiếu kỹ thuật, họ biến những sáng kiến từ xa trở thành sản phẩm có ích cho cuộc sống, cải thiện chúng để trở thành công cụ phục vụ cho tiến bộ và giàu có.
Vài thí dụ. Người Trung Hoa đã phát minh ra đại bác tầm nhỏ từ thế kỷ 12, và phải đợi đến lúc kỹ sư Urban[28] người Hungary sử dụng tri thức vật lý, cơ khí và luyện kim để biến nó thành đại bác công nghiệp để công phá và triệt hạ Constantinople năm 1453, thành lũy kiên cố nhất của đế chế Byzantine. Biến cố này đã vĩnh viễn thay đổi mọi chiến lược quân sự trước đó trong lịch sử loài người. Trung Hoa cũng đã phát minh kỹ thuật in mộc bản từ thế kỷ thứ chín, nhưng chỉ sử dụng cho các cáo thị triều đình và một ít sách vở không đáng kể. Phải đợi đến lúc Johannes Gutenberg sử dụng kiến thức cơ khí để phát minh máy in, phát minh kỹ thuật đúc chữ bằng chì và kẽm với độ chính xác cao và kết hợp với một ý chí đổi đời mãnh liệt để làm cuộc cách mạng vĩ đại ngành in ấn, góp phần tham gia vào việc quãng bá tri thức rộng rãi với giá thành thấp phù hợp cho mọi người từ giàu tới nghèo. Kim nam châm vốn không xuất xứ từ châu Âu, nhưng với ý chí mạo hiểm của người đi biển kết hợp với kiến thức mới về cơ khí, họ đã chế tạo được các thiết bị viễn dương, nhờ thế mà Columbus mới đến được châu Mỹ năm 1492, và đoàn tàu Magellan có thể đi được vòng quanh trái đất những năm 1519-1522[29], chấm dứt những cuộc tranh luận nhàm chán về quả đất hình khối hay hình cầu.
Ngoài những phát minh quan trọng của các vĩ nhân như Copernicus, Vesalius, chúng ta còn chứng kiến trong thời đại phục hưng rất nhiều phát minh và sáng kiến độc đáo phục vụ cho đời sống con người. Thế kỷ 16 là thế kỷ của phát minh khoa học, dẫn dắt châu Âu vào kỷ nguyên mới. Ngành thực vật học đã đến tận người dân giản dị nhất: Trong các nhà tư nhân đã xuất hiện những khu vườn có các loại rau quả sử dụng hàng ngày. Kính soi mặt được phát minh năm 1503 tại Venice, đồng hồ bỏ túi đầu tiên được Peter Henlein người Đức sáng chế năm 1508, khóa số được phát minh tại Ý năm 1550, bác sĩ Ambroise Paré người Pháp phát minh tay chân giả năm 1564, Nhà quang học Hà Lan Sacharias Jansen khám phá kính hiển vi năm 1590, thuốc nổ được đưa vào sử dụng thành công trong ngành khai thác khoáng sản[30] v.v…
Nghiên cứu khoa học tự nhiên đã đưa ra những giả thuyết đôi khi xuất phát từ những quan sát tình cờ, rồi được chứng minh để tổng kết thành các định luật toán học, vật lý. Từ đó những bộ óc thông minh đi kèm với năng khiếu kỹ thuật đã dẫn dắt người châu Âu bước vào kỷ nguyên hiện đại. Tất cả những biến cố vĩ đại nói ở trên đều xảy ra trong thời đại phục hưng, mà nếu không có tinh thần khoa học và sáng kiến kỹ thuật thì cũng khó lòng trở thành hiện thực.
Phục Hưng và giáo hội Kitô
Niềm tin vào Kitô giáo trước sau vẫn là tinh thần quán xuyến trong đời sống xã hội. Chỉ trừ sau những đại họa thiên nhiên, lòng tin có ít nhiều suy giảm. Điều này chúng ta thấy rõ sau các tai họa lớn nhỏ xảy ra suốt thế kỷ 14: mất mùa hạn hán đi kèm với nạn đói chết chóc vào đầu thế kỷ, ở giữa thế kỷ, bắt đầu từ năm 1347 và kéo dài đến 1353 làm cho 1/3 dân số châu Âu bị tử vong[32], và tiếp theo những cơn đại dịch sau đó trong hậu bán thế kỷ 14. Sau mỗi đại họa như thế, người ta đặt câu hỏi, tại sao Chúa sáng tạo ra loài người mà có thể nhẫn tâm sinh ra đại họa để thử thách tín đồ. Lòng tin vào Chúa vì thế có suy giảm, nhưng khi đại họa qua đi, mọi chuyện vẫn đâu vào đấy, ít người đặt lại vấn đề niềm tin.
Nhưng điều đó không ngăn cản những nhà phục hưng âm thầm hoặc công khai phê phán giáo hội Kitô. Họ không đặt lại niềm tin vào Thượng Đế, mà dưới nhiều khía cạnh khác nhau, họ phê phán giáo hội đã đóng sai vai trò của tổ chức đại diện cho Thượng Đế trên trần gian, và cả Giáo Hoàng cũng không tránh được cách nhìn phê phán của người phục hưng. Vài thí dụ tiêu biểu: Nhà thần học Martin Luther, người phê phán giáo hội La Mã và mở đầu cho phong trào cải cách tôn giáo đầu thế kỷ 16. Cùng thời gian đó, nhà nhân bản Desiderius Erasmus dù cực kỳ sùng đạo cũng không ngần ngại sử dụng các tác phẩm văn học của mình để chế diễu cay độc những tội lỗi bên trong giáo hội và mang các vị trong hàng giáo phẩm cao cấp ra làm trò cười[33]. Nhưng kẻ mở đầu cho mọi phê phán công khai có lẽ là Dante Alighieri trước đó trong thế kỷ 14. Dante dùng văn chương thơ phú để diễn đạt tinh thần phê phán. Ông không nhẹ lời chút nào với giáo hội và Giáo Hoàng, mặc dù trước sau, ông vẫn là người rất sùng tín, sẵn sàng “để cho người yêu [Beatrice] dẫn linh hồn về Thượng Đế và đạt đến một viễn tượng huyền bí, nơi mọi sáng tác thi phú đều chấm dứt[34] “.
Dante là người tiên phong làm chuyện không ai có thể hình dung được trong thế kỷ 13/14, là đánh thức lòng tự tin của người Ý và xem Ý như một đơn vị thống nhất về văn hóa, dù rằng quốc gia Ý lúc ấy chưa hiện hữu mà chỉ là vùng địa lý bao gồm hàng chục nhà nước thành phố độc lập và tranh chấp lẫn nhau. Theo Dante, giáo hội với nhà nước thần quyền ở trung tâm là tổ chức tạo ra bất ổn. Trong văn chương, Dante không ngần ngại đẩy Giáo Hoàng xuống địa ngục và đưa vào lò lửa để bắt sám hối[35]. Tác phẩm ” Monarchia” (Chế độ quân chủ) bị giáo hội đưa vào danh sách cấm lưu hành[36] cho đến cuối thế kỷ 19, vì trong sách đó, Dante đưa ra luận thuyết về quốc giáo và sự tách biệt rõ ràng giữa nhà nước thế tục và giáo hội. Dante nói rằng, Chúa Jesus thanh bạch và triết học của Aristotle đòi hỏi một giáo hội kiểu khác. Phê phán của Dante nhắm tới một tổ chức giáo hội đầy quyền lực và sẵn sàng thực thi bạo lực. Điều quan trọng trong phê phán đó là sự nghèo đói. Ngày nào giáo hội còn giàu có, ngày đó giáo hội còn liên minh với quyền lực, biện hộ cho những đặc ân, và đó không phải là giáo hội của Jesus Christ.
Xu hướng đó đặt ra cho giáo hội nhiều vấn đề, nhất là khi tư tưởng nhân bản đã xâm nhập vào mọi tầng lớp, kể cả hàng giáo phẩm cao cấp. Vấn đề nhức nhối nhất cho giáo hội Kitô vào thế kỷ 14/15 là sự phân hóa nội bộ về niềm tin. Vì phong trào phục hưng, mà dẫn đầu là các nhà nhân bản, nghi ngờ sáng kiến về một nhà nước thần quyền. Tư tưởng mới mẻ đó tất nhiên có lợi cho nhà nước thế tục vốn dĩ đang có xung khắc quyền lực với giáo hội về câu hỏi ai có thẩm quyền thống trị người dân? Nhưng rồi chính những vương quyền độc đoán, sau khi thống nhất các lãnh địa nhỏ để trở thành vương quốc rộng lớn hơn, cũng mất dần quyền lực và ảnh hưởng, vì khi tư tưởng phổ biến đặt con người chứ không phải thần thánh vào vị trí trung tâm, thì nhà nước thế tục cũng sẽ bị suy yếu và có thể bị phá sản dễ dàng[37]. Thế cộng sinh giữa chế độ quân chủ và giáo hội Kitô bắt đầu đi vào giai đoạn mới, một cuộc khủng hoảng mới dường như không có lối ra.
Thêm vào đó, sự vươn dậy của trào lưu nghiên cứu khoa học tự nhiên trong thời đại phục hưng cũng vô hình trung làm cho uy tín của giáo hội ngày càng đi xuống trong giới học giả, nhất là trong thế kỷ 16 và 17, khi giáo hội chính thức phản bác, cấm lưu hành các công bố khoa học hoặc tài liệu phản biện về tôn giáo và chính trị, thậm chí lên án và trừng phạt một số nhà khoa học tiếng tăm. Nicolaus Copernicus, Galilleo Galilei chỉ là vài thí dụ. Đấy là chưa kể, Dante Alighieri trước đó đã phải sống lưu vong hơn 20 năm, cũng do tác động ít nhiều của vị Giáo Hoàng đương thời.
Sự giảm sút niềm tin của giới khoa học vào giáo hội có nguyên do rất sâu xa: Thánh Kinh và giáo lý Kitô đã đặt một ranh giới không thể vượt qua cho những người muốn tìm tòi nghiên cứu: Khoa học phải ưu tiên phục vụ cho niềm tin, còn chuyện đi tìm chân lý chỉ đóng vai trò thứ yếu. Giờ đây người thế tục tự giải phóng mình ra khỏi ràng buộc đó, và câu hỏi về tôn giáo bị đẩy lùi vào hậu trường. Họ đặt cho khoa học nhiệm vụ phải phá vỡ chiếc cầu nối đến niềm tin tôn giáo, chứ họ không thể thuần phục niềm tin và từ bỏ khát vọng tìm tòi khám phá tri thức mới. Lý tưởng của người sùng đạo nhiệt thành về cuộc đời khổ hạnh không còn là một giá trị cho con người có học thức trong thời đại phục hưng noi theo[38].
Tóm lại, ngay từ cuối thế kỷ 13 và trong thế kỷ 14, giáo hội đã bị các nhà thần học cấp tiến phê phán, thậm chí có những phê phán quyết liệt hơn cả Martin Luther vào đầu thế kỷ 16, thí dụ như trường hợp của hai nhà thần học nổi tiếng đương thời là John Wiclif người Anh (1330-1384) và Jan Hus người Bohemia vùng Tiệp (1369-1415). John Wiclif cho rằng, lối sống của hàng giáo phẩm là nguồn gốc của đói khổ nhân loại. Chỉ riêng những lãnh đạo tinh thần đang sống xa hoa trong đền đài tráng lệ, đã tích lũy một tài sản khổng lồ, tài sản đó đủ để đáp ứng đòi hỏi về nhu cầu hàng ngày của tất cả người nghèo khó trên thế gian[39]. Giáo hội đã sa đọa đến độ mà John Wiclif còn cho rằng thế giới Kitô sẽ thiêng liêng hơn, nếu không có Giáo Hoàng và các Đức Hồng Y.
Điều đó cũng có thể cắt nghĩa được. Tôn giáo là một hệ thống mang tính chất văn hóa và ý thức hệ của xã hội. Một hệ thống như thế khó lòng chuyển hóa triệt để, nếu không có những biến cố chấn động từ bên trong và sự trợ lực từ bên ngoài của các lực lượng mới thành hình có đầy đủ sức mạnh và ý chí hành động. Châu Âu trong thế kỷ 14 và 15 vẫn còn trong quá trình củng cố và phải đối phó với nhiều vấn đề có thể đe dọa sự tồn tại của các quốc gia[40], cho nên họ chưa có ý chí mạnh mẽ để thúc đẩy một cuộc cải cách toàn diện trong giáo hội, mặc dù họ đã thấy rõ sự cần thiết. Vì thế, hệ thống giáo hội mang tính chất và thế giới quan của giáo sĩ, mà chúng ta có thể gọi là tinh thần giáo hoàng hơn là đạo đức Kitô, vẫn còn tiếp tục tồn tại không hề thay đổi suốt hơn một thế kỷ sau[41].
Sức mạnh của giáo hội và uy tín của Giáo Hoàng bắt đầu lung lay sau khi giới học giả tiếp cận ngày càng nhiều triết học Hy Lạp cổ đại, vốn dĩ được phát triển trong xã hội đa thần và xem “con người là thước đo của vạn vật” (Protagoras), chứ không phải thần thánh hướng dẫn cuộc sống trên trần thế. Khi chủ nghĩa nhân bản trở thành một trào lưu văn hóa sống động kể từ đầu thế kỷ 15, con người suy nghĩ độc lập hơn, hành động theo lý tính chứ ít thiên về niềm tin. Bước sang thời đại phục hưng, hệ thống triết học phong phú hơn, tinh thần nghiên cứu khoa học phát triển mạnh hơn, ý thức phản kháng cao hơn, cho nên vai trò Giáo Hoàng ngày càng lu mờ và sức mạnh của giáo hội dường như bắt đầu sụp đổ. Phong trào phục hưng đã hoàn tất những bước chuẩn bị sau cùng. Cuộc cải cách tôn giáo do Martin Luther khởi động chắc hẳn không phát triển mạnh mẽ như chúng ta biết, nếu không có những thành quả của phong trào phục hưng đi trước lót đường.
Từ một giáo hội xa hoa, đầy quyền lực và sa đọa cho đến lúc phải cải cách, quá trình cũng kéo dài mất nhiều thế kỷ. Thực thể đó cho chúng ta một bài học muôn thuở rằng, không có một tổ chức thoái hóa nào có thể tự cải cách, xuất phát từ lòng tốt của những con người trong đó, mà áp lực từ bên dưới là yếu tố cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển hóa. Những con người phục hưng đã tạo được sức ép cần thiết để buộc giáo hội phải cải cách. Nhưng vì cuộc cải cách đến quá chậm, cho nên cuối cùng thế giới Kitô bị phân hóa làm nhiều tông phái khác nhau cùng thờ một Chúa. Đấy là chưa kể bao nhiêu cuộc chiến tranh đẫm máu sau đó vì hiềm khích tôn giáo, mà thảm khốc nhất là cuộc chiến tranh hủy diệt trên toàn châu Âu kéo dài 30 năm từ 1618 đến 1648. Nguồn gốc đưa đến hậu quả chia rẽ này và những thảm họa đi kèm không phải là ý muốn từ bỏ niềm tin Kitô, mà là sự phản kháng chống lại đời sống xa hoa sa đọa và sự lạm dụng quyền lực của giáo hội La Mã. Sau thời đại phục hưng, người ta chỉ gọi là giáo hội Thiên Chúa Giáo. Trong thực tế thì vẫn còn một thế giới Kitô với nhiều tông phái, nhưng nếu hiểu giáo hội là tổ chức có vai trò lãnh đạo tinh thần cho giáo dân, thì cụm từ giáo hội Kitô không còn ý nghĩa và trên thực tế nó cũng không còn tồn tại kể từ cuối thế kỷ 16.
Phục hưng và ý thức quốc gia
Khi thế kỷ 14 chấm dứt, châu Âu bắt đầu bước vào con đường dẫn đến chế độ tập trung. Thế kỷ 15 tiếp nối và hoàn thiện xu hướng đó, một xu hướng còn tiếp tục phát triển suốt vài thế kỷ tiếp theo. Thế kỷ 15 đã làm sống dậy những sáng kiến và quan tâm về các giá trị phổ quát, đồng thời các tính chất đặc thù địa phương dần dần biến mất, để nhường chỗ cho sự hợp nhất thành một tổng thể rộng lớn hơn chưa bao giờ có trước đó, ấy là ý thức về quốc gia và nhà nước. Quá trình này được hoàn tất trong thế kỷ 16 và 17, nhưng các bước chuẩn bị đã được bắt đầu từ thế kỷ 15[42]. François Guizot, giáo sư sử học đại học Sorbonne, Paris
Trong một dịp khác, chúng ta sẽ giành nguyên một chương cho đề tài này. Ở đây trong khuôn khổ báo mạng, chúng tôi chỉ xin sơ lượt một vài nét chấm phá.
Khái niệm quốc gia và hình thái nhà nước quốc gia như chúng ta hiểu hôm nay mới xuất hiện tại châu Âu kể từ sau cuộc cách mạng Pháp năm 1789, khi quốc hội đầu tiên ( Assemblée Nationale) được thành lập, một cơ quan đại diện cho toàn dân Pháp, không phân biệt giai tầng nào trong xã hội. Kể từ đó, xu hướng thành lập quốc gia và nhà nước quốc gia mang tính chất hiện đại như điển hình Pháp đã nhanh chóng phổ biến rộng trên lục địa châu Âu.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc hình thành khái niệm quốc gia ở mỗi nước có ít nhiều khác biệt. Nhưng đặc tính chung của châu Âu thế kỷ 15 là nhận thức rằng, đất nước càng rộng thì càng có nhiều lợi thế, cho nên quốc gia ngày càng mở rộng bao gồm nhiều đơn vị chính trị, trong đó các lãnh địa lớn thâu tóm các lãnh địa lân cận nhỏ hơn để tạo thành một tổng thể có quyền lực tập trung. Cả trong lĩnh vực kinh tế cũng thế, hệ thống tập trung mang lại lợi thế về quyền lực. Và thực thế là trong thế kỷ 15, ngày càng có nhiều sức mạnh kinh tế tập trung trong tay của ngày càng ít giòng họ nổi tiếng[43]. Medici của Ý hoặc Fugger của Đức là vài thí dụ.
Chúng ta thử lướt qua vài đặc trưng trong quá trình phát triển ý thức quốc gia ở một vài nước lớn của châu Âu.
Ở bán đảo Ý, tư tưởng quốc gia xuất phát từ sáng kiến xây dựng thế mạnh về thương mại đạt được từ các cộng hòa đang dẫn đầu châu Âu, đồng thời duy trì vị trí lãnh đạo của các trung tâm văn hóa nghệ thuật đang còn nằm rải rác ở nhiều cộng hòa khác nhau, mỗi nơi có một nhà nước thành phố khác nhau. Với dân số chưa tới một triệu người, các cộng hòa riêng lẻ đó không tạo được sức mạnh cần thiết, đủ để đối chọi với với các thế lực lớn đang bắt đầu ngoi lên trên lục địa. Thống nhất nước Ý là một xu hướng tất yếu, được bắt đầu khởi dậy từ cuối thế kỷ 15. Sáng kiến này trong các cộng hòa nhỏ ngày càng rõ nét, giúp cho các vùng khác của châu Âu tìm đường thoát khỏi gọng kìm của một bên là hệ thống phong kiến của nhà nước thế tục và bên kia là bóng mây của hệ thống quyền lực sa đọa trong nhà nước thần quyền. Riêng tại Ý, sự chuyển hóa đến quá chậm cho nên một vài vùng của Ý bị Pháp và Tây Ban Nha thôn tính cuối thế kỷ 15, và Ý phải đợi thêm vài thế kỷ nữa để giấc mơ thống nhất quốc gia mới trở thành hiện thực.
Ở Pháp và Anh, ý thức quốc gia đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn chiến tranh 100 năm[44] để Pháp giành lại các vùng đất đã mất vào tay vương quốc Anh. Nguyên do của cuộc chiến tranh dai dẳng này là sự tranh giành quyền thừa kế ngai vàng sau khi vua Pháp Charles IV mất trong lúc chưa có người kế vị. Khi các cuộc xung đột vũ trang chấm dứt vào năm 1453, và vùng đất cuối cùng Calais được Anh trao trả năm 1459, Pháp vẫn còn là một vương quốc bao gồm nhiều lãnh địa không ai thuần phục ai, nằm dưới quyền cai trị của nhiều giòng họ, trong đó lớn nhất là giòng họ Capétiens (Capetian), kế tiếp là Bourgogne (Burgundy) và một vài giòng họ khác cai quản các lãnh địa nhỏ ở tây nam của Pháp. Ở Anh, Scotland và nhất là Ireland thì vẫn còn vài lãnh địa độc lập và họ chỉ thuần phục vương triều Anh trên danh nghĩa.
Hình 2: Vương triều Pháp và các lãnh địa năm 1477 Tác giả: Zigeuner, bản quyền CC-BY-SA 3.0
Cuộc chiến tranh 100 năm là một trong những bước ngoặc quan trọng trong lịch sử châu Âu. Nó đánh dấu sự thành hình một tư tưởng mới về quyền lực, nhằm mục đích bảo vệ cũng như bành trướng lãnh thổ. Việc đoàn kết các lãnh địa nhỏ để thống nhất thành một quyền lực tập trung là chiến lược của các nhà cai trị của Pháp và Anh trong những thế kỷ tiếp theo. Ý thức quốc gia đã định hình rõ rệt và nhà nước quốc gia có quyền lực tập trung là mối bận tâm hàng đầu của họ. Các vương triều Anh và Pháp biết khơi dậy tinh thần yêu nước, kêu gọi người dân gạt bỏ tầm nhìn địa phương để đưa tinh thần yêu nước lên quy mô quốc gia, thực chất là tiến đến việc phục tòng vương triều trung ương, trên cơ sở san sẻ quyền lực cho các lãnh chúa địa phương. Một đặc trưng khác trong giai đoạn này là, các vương triều Anh và Pháp dần dần thoát ra khỏi sự giám hộ của giáo hội Kitô, giảm bớt ảnh hưởng của hàng giáo phẩm trong các cơ cấu nhà nước thế tục, dần dần tiến đến việc kiểm soát ảnh hưởng của tôn giáo lên đời sống xã hội.
Ở Tây Ban Nha, ý thức quốc gia dù phát triển rất sớm từ lúc khởi đầu phong trào Reconquista vào thế kỷ thứ 10 để giành lại bán đảo Iberia đã bị khối Islam xâm chiếm, nhưng khi hầu hết đất đai đã lấy lại được khoảng giữa thế kỷ 13, phong trào Reconquista chững lại, một phần vì văn hóa bản địa chưa đủ mạnh để chiếm lại trái tim của người dân đã sống suốt nhiều thế kỷ dưới nền văn hóa khá cao của khối Islam, phần khác tính đoàn kết của các vương quốc nhỏ bắt đầu lỏng lẻo sau nhiều thế kỷ mệt mỏi vì chiến tranh. Tính đoàn kết và ý thức quốc gia giảm xuống, Tây Ban Nha trở thành một bán đảo gồm sáu vương quốc[45] độc lập nhau. Phải đợi đến 1492, khi hai vợ chồng Ferdinand II (Vua xứ Aragon) và Isabella I (Hoàng hậu xứ Castilla) đánh bạt đội quân Islam ra khỏi lãnh địa cuối cùng là Granada, chấm dứt gần 800 năm hiện diện của khối Islam trên bán đảo Iberia, Vương quốc Tây Ban Nha mới trở thành một nước thống nhất với tên gọi Kingdom of Spain cho tới hôm nay. Mặc dù các ngôn ngữ địa phương như Catalian, Galician, Basque vẫn còn tồn tại ở các địa phương đó cho đến bây giờ, ngôn ngữ Castillian mà chúng ta quen gọi là Spanish trở thành ngôn ngữ quốc gia thống nhất.
Qua lịch sử của các nước kể trên trong thế kỷ 15, chúng ta có thể kết luận rằng, ý thức quốc gia và tinh thần yêu nước phát triển mạnh mẽ nhất khi họ phải tiến hành chiến tranh chống ngoại xâm. Đoàn kết là tính chất cần thiết để tạo nên sức mạnh đối kháng. Nhưng khi chiến tranh chống ngoại xâm chấm dứt thành công, không ai bảo đảm rằng ý thức quốc gia sẽ tiếp tục tồn tại và một quốc gia thống nhất sẽ thành hình. Giữa những vùng gần gũi nhau, cùng chung tiếng nói và phong tục tập quán giống nhau, họ cần một chất keo vững chắc hơn để nối kết các thành viên lại với nhau. Chất keo đó chính là kho tàng văn hóa tích lũy được từ nhiều thế hệ. Ngôn ngữ và phong tục tập quán phải được thể hiện thành những tác phẩm đọc được, thấy được, sờ mó được. Đó là kho tàng văn chương, thơ phú bằng tiếng mẹ đẻ, là hội họa, điêu khắc của người “đồng hương” sáng tác, là các công trình kiến trúc xuất hiện lồ lộ trong địa phương. Kho tàng văn hóa ấy là chiếc gương soi để người dân có thể nhìn thấy bóng mình phản chiếu trong các tác phẩm. Văn hóa nghệ thuật phục hưng đã đặt nền móng vững chắc ban đầu để làm tròn chức năng đó.
Ý thức quốc gia được đánh thức lần đầu nhưng vô cùng mạnh mẽ từ những áng văn thơ sáng tác bằng tiếng Ý của Dante Alighieri và sau đó là Francisco Petrarca và Giovanni Boccaccio. Hai tập thơ bất tử của Dante – Cuộc đời mới (Vita Nova) và Hài kịch thần thánh (Divina Commodia) – và những tác phẩm nổi danh khác của Petrarca và Boccaccio là những biểu tượng cho trào lưu sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ không những trên nước Ý mà dần dần lan tỏa lên các nước khác trên lục địa châu Âu.
Kể từ thế kỷ 15, la-tinh cổ điển trở thành ngôn ngữ ngoại giao thống nhất tại châu Âu, thậm chí có những tác giả thành danh – thí dụ như nhà thơ Anh John Milton[46] – cho rằng phải viết bằng tiếng la-tinh thì tác phẩm mới hy vọng đạt được danh vọng khắp thế giới.
Nhưng theo thời gian, ảnh hưởng của Dante, Petrarca, Boccaccio và hậu duệ của họ đã nâng cao giá trị của ngôn ngữ địa phương trong văn chương thơ phú, dần dần thay thế vị trí của la-tinh trong lĩnh vực văn học. Xu hướng này nhanh chóng lan tỏa ra các vùng khác trên lục địa châu Âu. Khi số người biết đọc ngày càng nhiều, thì ngôn ngữ địa phương bình dân càng nhanh chóng trở thành ngôn ngữ của văn chương. Số người biết đọc thì tăng trưởng nhảy vọt sau khi kỹ thuật in ấn được khám phá và phát triển mạnh mẽ trong thị trường văn chương chữ nghĩa châu Âu kể từ hậu bán thế kỷ 15.
Song song với sự phát triển đó, các tác phẩm bằng tiếng mẻ đẻ càng được quãng bá rộng rãi và nhanh chóng hơn. Kể từ tiền bán thế kỷ 16, các tác phẩm bằng tiếng Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức dần dần chiếm đa số trong các sách lưu hành trên thị trường địa phương. Hiện tượng đó làm cho ý thức quốc gia dễ dàng phát triển và đến ngưỡng cửa 1600, tiếng la-tinh mất dần vị trí ưu tiên, trong lúc tiếng địa phương trở thành ngôn ngữ chủ yếu của văn học châu Âu. Những áng văn nổi danh nhất là các tác phẩm được sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ: Ở Pháp có Clement Marot, François Rabelais, Pierre de Ronsa, Michel de Montaign; ở Anh có Geoffrey Chaucer, Edmund Spencer, Shakespeares; hoặc Oswald von Wolkenstein của Đức, Miguel de Cervantes của Tây Ban Nha[47].
Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức (Độc giả có quyền đăng lại hoặc trích dẫn không giới hạn, nhưng cần ghi rõ nguồn. Để theo dõi nội dung này một cách đầy đủ hơn, xin mời quí vị tham khảo các sách về “Văn minh châu Âu” của cùng tác giả)
Kể từ đây, mỗi nước có một nền văn hóa độc đáo riêng để người dân hãnh diện, có tiếng nói riêng, chữ viết riêng. Ý thức quốc gia đã định hình rõ rệt trong thế kỷ 17, một xu hướng không thể nào đảo ngược trên mọi vùng châu Âu. Từ đó về sau, lịch sử cho chúng ta thấy rằng, nước nào mà ý thức quốc gia và tinh thần dân tộc không đủ mạnh, nước đó không trước thì sau cũng sẽ bị kẻ khác đến dòm ngó và thôn tính.
Nhưng dù ý thức quốc gia với biên giới rõ ràng của nó ngày càng cao, và cho dù tiếng nói cũng khác nhau, điều đó cũng không ngăn cản sự giao lưu văn hóa giữa các vùng xa xôi trên lục địa nhờ sự gắn kết từ lâu thông qua một ngôn ngữ học thuật giống nhau là tiếng la-tinh và một niềm tin Kitô giáo giống nhau. Chất keo gắn kết tạo được trong thế kỷ 15 và 16 rõ ràng được chắt lọc từ các thành quả của phong trào phục hưng.
Tài liệu tham khảo
Böckle, Franz & Franz-Xaver Kaufmann, Karl Rahner, Bernhard Welte chủ biên
Niềm tin Kitô trong xã hội hiện đại, Tập 19 (Christlicher Glaube in moderner Gesellschaft, Teilband 19). ISBN 3-451-19219-5
Florence trong thời kỳ phục hưng (Florenz in der Renaissance – Claudia Preuschoft dịch từ tiếng Anh: Renaissance Florence). ISBN 3-499-55480-1
Trò chuyện triết học. Nhà xuất bản Tri Thức, 2012
Văn hóa phục hưng ở Ý (Die Kultur der Renaissance in Italien). ISBN 3-933-20389-9
Thời kỳ Phục hưng ở Ý. Lịch sử xã hội của nền văn hóa giữa truyền thống và phát minh (Die Renaissance in Italien. Sozialgeschichte einer Kultur zwischen Tradition und Erfindung – Reinhardt Kaiser dịch từ tiếng Anh: Culture and Society in Renaissance Italy). ISBN 3-8031-3521-4
1001 phát minh thay đổi thế giới (1001 Inventions that changed the world). ISBN 978-1-84403-611-0
Lịch sử văn minh 6: Thời đại cải cách (The story of civilization 6: The Reformation). ISBN 1-56731-017-6
Huy hoàng và sụp đổ của phong trào phục hưng Ý (Glanz und Verfall der italienischen Renaissance – Margrit Lang dịch từ tiếng Anh). ISBN 3-548-36108-0
Aristotle, Einstein và những người khác (Aristoteles, Einstein & Co.). ISBN 3-492-03778-X
Đọc và hiểu Dante (Endlich, Dante lesen und verstehen. Marc Reichwein phỏng vấn GS Kurt Flasch). http://www.welt.de ngày 25.5.2015
Lịch sử Văn minh châu Âu (The History of Civilization in Europe – William Hazlitt dịch từ tiếng Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). Penguin Books 1997
Phục hưng – Trở về thời cổ đại (Die Renaissance – Die Rückwende zur Antik – Siglinde Summerer dịch từ tiếng Anh). ISBN 3-426-03630-4
Những nhà kinh điển của triết học, Tập I (Klassiker der Philosophie I). ISBN 3-406-08048-0
Sự huy hoàng của Phục Hưng (Der Glanz der Renaissance. Anne Spielmann dịch từ tiếng Anh: Wordly Goods. A new history of the Renaissance). ISBN 3-471-79360-7
Thời Phục Hưng – Một lịch sử tóm tắt (The Renaissance – A short history). ISBN 978-0-8129-6619-0
Kuester, Hildegard chủ biên & nhiều tác giảThế kỷ 16 – Thời phục hưng ở châu Âu (Das 16. Jahrhundert – Europäische Renaissance). ISBN 3-7917-1468-6
Maddison, Angus
Kinh tế thế giới – Tập I và II (The World Economy – Volume I & II). ISBN 92-64-02261-9
Từ điển tường giải phong trào phục hưng (Enzyklopädie der Renaissance – Hermann Teifer dịch từ tiếng Anh: The Renaissance: An Illustrated Encyclopaedia. ISBN 3-7611-0725-0
Thành tố cơ bản của thế giới hiện đại (Die Grundlegung der Modernen Welt – Helga Brissa, Heinz Wismann và Egbert Türk dịch từ tiếng Ý: Alle origini del mondo moderno). ISBN 3-828-90400-9
Lịch sử châu Âu (Geschichte Europas). ISBN 3-771-30169-6
Schmid, Marion chủ biên & nhiều tác giả
Nhân bản, Phục hưng, Cải cách – các nhà nghiên cứu và triết gia (Humanismus, Renaissance und Reformation – Forscher und Philosophen). ISBN 3-596-17023-0
Stevenson, Leslie; Haberman, David L. & Wright, Peter M.
Mười hai học thuyết về bản tính con người (Lưu Hồng Khanh dịch từ tiếng Anh: Twelve Theories of Human Nature). ISBN 978-604-956-006-4
Phong trào phục hưng ở Ý (Die Italienische Renaissance). ISBN 3-7701-0990-2
Lịch sử của tri thức (Geschichte des Wissens – Anita Ehler dịch từ tiếng Anh: A history of knowledge). ISBN 3-764-35324-4
Triết học thời kỳ phục hưng (Philosophie der Renaissance). ISBN 3-499-55242-6
Ghi chú
[1] Xem tài liệu [19], R. Romano và A. Tenenti, trang 144. “Xứ hoàng hôn“ (Abendland – Occident) là thuật ngữ quen thuộc để chỉ vùng văn hóa Tây Âu để phân biệt với “Xứ rạng đông“ (Morgenland – Orient).
[23] ” Über die Kreisbewegungen der Himmelskörper” (nguyên tiếng la-tinh: De revolutionibus orbium coelestium)
[29] Ferdinand Magellan dẫn đầu đoàn thuyền 5 chiếc với 237 người để thám hiểm vòng quanh quả đất. Cuối cùng, Magellan chết trong một cuộc xung đột với dân bản xứ ở Phi Luật Tân, nhưng phó đoàn Sebastian Del Cano đã đưa được chiếc tàu cuối cùng Victoria với 31 thủy thủ đi đúng một vòng quả đất trở về khởi điểm Sevilla, Tây Ban Nha.
[31] Cái chết đen (Black Death) là cơn đại dịch xảy ra bởi một loại vi khuẩn mà sau này người ta phỏng đoán là xuất xứ từ Trung Hoa, rồi lan đến vùng Hồng Hải (Red Sea) và đầu tiên đến Messina, Sicily năm 1347 từ hải cảng Kaffa vùng Crimea, lúc ấy thuộc quyền cai trị của cộng hòa Genua, Ý.
[32] Thật ra, không có một thống kê nhất quán về số người chết. Người ta phỏng đoán bằng những số liệu tượng trưng đâu đó giữa 1/4 đến 1/2 dân số bị tử vong.
[40] Trong thời gian đó, quốc gia với những định chế cần thiết của chúng chưa hiện hữu, nhưng ý thức quốc gia thì đã rõ rệt trong các vùng có cùng những truyền thống giống nhau.
[44] Cuộc chiến tranh kéo dài từ 1337 đến 1453. Trong cuộc chiến đó, Jeanne d’Arc vươn lên như một thiên thần, góp phần xây dựng bản sắc dân tộc Pháp trong thế kỷ 15. Jeanne d’Arc sau này được phong Thánh và tôn vinh là “huyền thoại quốc gia” Pháp.
[45] Sáu vương quốc là: Portugal, Léon, Navarra, Aragon, Castilla và Cordoba. Riêng Portugal đã trở thành Kingdom of Portugal độc lập từ năm 1139.
Bài 3: Văn Hóa Tây Âu Thời Phục Hưng
Tóm tắt lý thuyết
Từ thế kỉ XIV, ở Ý bắt đầu xuất hiện một phong trào văn hóa mới, rồi đến nửa sau thế kỉ XV, phong trào ấy lan sang các nước Tây Âu khác như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Nêđéclan và được gọi là phong trào Phục hưng (Renaissance).
Điều kiện chủ yếu dẫn đến sự ra đời của phong trào Văn hóa Phục hưng là do sự xuất hiện quan hệ tư bản chủ nghĩa. Trong khi đó, những thành tựu về văn hóa từ thế kỉ XI-XIII còn xa mới đáp ứng được nhu cầu của giai cấp tư sản mới ra đời, đồng thời cho đến lúc bấy giờ, tư tưởng tình cảm con người vẫn bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng khắt khe của giáo hội Thiên chúa. Do vậy giai cấp tư sản cần phải có hệ tư tưởng và nền văn hóa riêng để phục vụ cho đời sống tinh thần của mình và để đấu tranh với hệ tư tưởng lỗi thời của giáo hội và của giai cấp quý tộc phong kiến đang cản trở sự phát triển của xã hội.
Còn Ý sở dĩ trở thành quê hương đầu tiên của phong trào Văn hóa phục hưng là vì:
Tuy bị phân tán về chính trị nhưng do những điều kiện thuận lợi về địa lí, quan hệ tư bản chủ nghĩa ở đây ra đời sớm nhất. Từ thế kỉ XIV, ở miền Bắc Ý đã có nhiều thành phố rất phồn thịnh và đã lập thành những nước cộng hòa thành thị như: Phirenxê, Vênêxia, Giênôva v.v…, trong đó Phirenxê chủ yếu phát triển về công nghiệp, còn Vênêxia và Giênôva chủ yếu phát triển về thương nghiệp.
Thành phố Phirenxê có hơn 300 xí nghiệp len dạ, trong đó thuê rất nhiều thợ làm việc. Đó là những công trường thủ công tư bản chủ nghĩa. Ngoài các nhà tư sản công thương nghiệp, ở Phirenxê còn có hơn 100 chủ ngân hàng. Vênêxia là một thành phố công thương nghiệp rất nổi tiếng ở châu Âu. Đặc biệt sau các cuộc viễn chinh của quân Thập tự, Vênêxia đã giàu mạnh rất nhanh chóng. Vênêxia có 3.000 chiếc thuyền buôn với khoảng 30.000 thủy thủ thường xuyên tung hoành trên Địa Trung Hải để chuyên chở các mặt hàng như tơ lụa, hồ tiêu, quế, đường… của phương Đông sang bán cho các nước, ở phương Tây. Đồng tiền vàng đucát của Vênêxia được sử dụng khắp toàn châu Âu. Bên cạnh thương nghiệp, các ngành công nghiệp như dệt tơ, đóng thuyền, làm đồ thủy tinh… cũng rất nổi tiếng.
Giênôva cüng là một thành phố thương nghiệp quan trọng và là đối thủ của Vênêxia trong lĩnh vực buôn bán. Đến thế kỉ XV, ngân hàng thánh Gioóc ở đây đã phát hành giấy bạc đầu tiên và được thông dụng trên khắp thị trường châu Âu.
Ý vốn là quê hương của nền văn minh La Mã cổ đại, do đó cho đến thời bấy giờ, ở đây còn giữ lại được nhiều di sản văn hóa về các mặt kiến trúc, điêu khắc, văn học… Vì vậy, hơn ai hết, các nhà văn nghệ sĩ Ý đã kế thừa được truyền thống văn hóa rực rỡ của đất nước mình. Đến thế kỉ XIV, XV khi về mặt kinh tế xã hội có những biến đổi quan trọng, họ đã có điều kiện để làm sống lại và phát triển những thành tựu văn hóa ấy.
Do kinh tế phát triển, trong các nước cộng hòa, thành thị ở Ý đã xuất hiện một tầng lớp rất giàu có. Để phô trương cho sự giàu sang của mình, họ đã xây dựng nhiều lâu đài tráng lệ được trang sức bằng những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Tình hình đó đã có tác dụng khuyến khích rất lớn đối với sự sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ mà trước hết là đối với các họa sĩ và các nhà điêu khắc.
Hơn nữa, các nhà văn nghệ sĩ lúc bấy giờ còn nhận được sự bảo trợ của những người đứng đầu các nhà nước như họ Mêđixi ở Phirenxê, họ Gôndagơ (Gonzague) ở Mantu, họ Môntêphentơrô (Montefeltro) ở Uốcbinô, họ Extê ở Fera (Ferrare), họ Aragôn ở Naplơ, thậm chí cả các giáo hoàng Xixtơ IV, Giulơ II, Lêô X, và Phaolô III ở La Mã nữa. Nhờ vậy họ càng có điều kiện tập trung trí tuệ và tài năng của mình vào công việc lao động sáng tạo.
Đến thế kỉ XV và nhất là thế kỉ XVI chủ nghĩa tư bản cũng ra đời ỏ Anh và tiếp đó là ở các nước Tây Âu khác như Pháp, Tây Ban Nha, Nêđéclan, Đức… Vì vậy, phong trào Văn hóa phục hưng có điều kiện phát triển sang các nước Tây Âu khác.
Là một bước nhảy vọt về văn hóa, phong trào Văn hóa phục hưng đã đạt được những thành tựu rực rỡ về mọi mặt, đặc biệt là về văn học nghệ thuật.
Nền Văn học thời Phục hưng về cả ba thể loại thơ, tiểu thuyết và kịch đều có những tác phẩm có giá trị gắn liền với tên tuổi nhiều tác giả nổi tiếng.
Tác phẩm trong thời kì đầu của ông là Cuộc đời mới. Đây là tác phẩm Đantê viết để tưởng nhớ người bạn gái thời thơ ấu của ông là Bêatơrít (Beatrice). Bêatơrít là một cô gái ngây thơ xinh đẹp mà ngay từ hồi mới 9 tuổi ông đã đem lòng yêu mến, nhưng về sau vì rụt rè, nàng tưởng ông không yêu nên đi lấy chồng và chẳng may chết sớm. Ông hết sức ân hận và thương xót nên viết tác phẩm này.
Tác phẩm lớn nhất của Đantê là Thần khúc (La Divine comédie). Tác phẩm này ông đã viết trong suốt 20 năm sống lưu vong, cho đến khi chết cũng chưa hoàn thành trọn vẹn. Toàn bộ tập thơ gồm 100 chương, ngoài chương lời tựa, nội dung chính chia làm ba phần là địa ngục, tĩnh giới (nơi rửa tội) và thiên đường, mỗi phần gồm 33 chương.
Nội dung tác phẩm kể về một giấc mộng trong đó tác giả được nhà thơ nổi tiếng của La Mã cổ đại là Viếcgiliut dẫn đi xem địa ngục và tĩnh giới, tiếp đó được Bêatơrít dẫn đi xem thiên đường. Về hình thức “Thần khúc” giống như một tập trường ca kiểu cũ, trong đó dùng địa ngục và thiên đường làm bối cảnh và sử dụng nhiều điển tích thần học nhưng nội dung tư tưởng thì hoàn toàn mới.
Ngoài Đantê còn có nhà thơ trữ tình Pêtơraca (1304-1374). Thi phẩm của ông là tập thơ ca ngợi tình yêu tặng nàng Lôra, người mà ông yêu suốt đời và trở thành bất tử trong thơ của ông. Tập thơ này được coi là mẫu mực của thơ trữ tình Ý.
Tiểu thuyết:
Về lĩnh vực này trước hết phải kể đến Bôcaxiô (1313-1375), nhà văn Y được đặt ngang hàng với hai nhà thơ Đantê và Pêtơraca và được gọi chung là “Ba tác giả lỗi lạc”. Tác phẩm nổi tiếng của ông là tập truyện ngắn Mười ngày (Decameron).
Tác phẩm này gồm 100 câu chuyện do 3 chàng kị sĩ trẻ và 7 cô gái kể cho nhau nghe để đỡ buồn trong 10 ngày về sống tại một ngôi nhà ở nông thôn để tránh nạn dịch hạch xảy ra ở Phirenxê năm 1348. Bằng lối văn châm biếm dí dỏm, các câu chuyện ấy hoặc là kể lại những truyện trong thần thoại và truyền thuyết, hoặc là những câu chuyện của phương Đông, nhưng nhiều nhất là những câu chuyện khai thác trong xã hội đương thời, trong đó đề cập đến nhiều đối tượng như lái buôn, tu sĩ, giáo sĩ, quý tộc… “Mười ngày” của Bôcaxiô là một tác phẩm có tính chất vạch thời đại trong lịch sử văn học châu Âu.
Sau khi phong trào Văn hóa Phục hưng lan rộng sang các nước Tây Âu khác, ở Pháp và Tây Ban Nha đã xuất hiện hai nhà văn nổi tiếng, đó là Rabơle và Xécvăngtét.
Rabơle (Francois Rabelais 1494-1558) lúc còn nhỏ đi tu, sau ra khỏi tu viện học ngành y và khoa học tự nhiên, đã từng làm thầy thuốc. Ông còn tinh thông về các mặt văn học, triết học, pháp luật, thực vật học, kiến trúc. Tác phẩm chủ yếu của ông là tiểu thuyết trào phúng Gácgăngchuya và Păngtagruyen nội dung như sau: Gácgăngchuya là một người khổng lồ. Vừa mới lọt lòng mẹ đã đòi “Uống”. Người ta phải lấy sữa của 170.913 con bò cho uống mới đủ. Con của Gácgăngchuya là Păngtagruyen cũng là một người khổng lồ. Anh có một người bạn tên là Panuyếcgiơ. Sau khi đôi bạn này đi đánh thắng giặc ngoại xâm trở về, Panuyếcgiơ có một băn khoăn là có nên lấy vợ hay không. Không ai giải đáp được thắc mắc đó, hai người phải đi đến xứ Cate (Trung Quốc) để hỏi lọ nước thần. Chính trong cuộc hành trình ấy họ đã đặt chân tới nhiều xứ sở kì lạ như đến hòn đảo của những người chuyên giơ lưng chịu đấm để đòi tiền bồi thường, đến hòn đảo của các loài chim chỉ biết hót và ăn cho béo, lại đến hòn đảo của loài mèo xồm chuyên môn ăn hối lộ… Cuối cùng họ đã đến được ngôi đền “Lọ nước thần” và được nghe phán mỗi một tiếng “Uống!”. Về bề ngoài, tác phẩm này có vẻ hoang đường, nhưng nội dung lại nói về những người thực, việc thực trong xã hội lúc bấy giờ. Đó là giáo hoàng, giáo sĩ, vua, quan, là cuộc sống lười biếng ăn bám, là những việc làm xấu xa đầy rẫy trong cuộc sống hàng ngày… Vì vậy đây là một tác phẩm hiện thực phê phán rất có giá trị.
Xécvăngtét (Miguel de Cervantes 1547-1616) là một nhà văn lớn và là người đặt nền móng cho nền văn học mới ở Tây Ban Nha. Xécvăngtét xuất thân từ một gia đình quý tộc sa sút, thời trẻ tính thích mạo hiểm, đã tham gia đánh quân Thổ Nhĩ Kì ở trận Lêpăngtơ ở Hi Lạp (năm 1571). Vì bị thương, ông bị bọn giặc biển bắt làm tù binh. Sau 5 năm ông trốn thoát được về quê hương, nhưng từ đó ông ngày càng nghèo túng, phải ra làm một chức quan nhỏ. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, đồng thời cũng là một kiệt tác của nền văn học thế giới là Đông Kisốt (Don Quichotte). Nội dung như sau:Ông Kixana là một quý tộc nhỏ sa sút, người cao gầy, 50 tuổi vẫn chưa có vợ. Thế nhưng vì chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết, ông quyết định mình phải trở thành một hiệp sĩ đi ngao du khắp thiên hạ để dẹp mọi chuyện bất bình. Để chuẩn bị lên đường, Kixana tự đặt cho mình một cái tên quý tộc thật kêu là Đông Kisốt xứ Măngsơ, lại dụ dỗ được Xăngsô, một nông dân chất phác làm giám mã cho mình. Hơn nữa, để cho đấy đủ tiêu chuẩn của một kị sĩ, ông tôn thờ một cô thôn nữ làng bên mà ông chưa quen biết làm “bà chúa của lòng mình” và gọi nàng bằng một cái tên duyên dáng – nàng Đunxinê xứ Tôbôxô. Với bộ trang phục kị sĩ do tổ tiên để lại, Đông Kisốt cưỡi một con ngựa gầy cùng với Xăngsô béo lùn cưỡi một con lừa thấp lè tè bắt đầu bước vào con đường giang hồ. Từ đó Đông Kisôt có nhiều hành động vừa buồn cười, vừa đáng thương, như chiến đấu với cối xay gió vì tưởng đó là ma quỷ khổng lồ, đánh đàn cừu đang gặm cỏ vì tưởng đó là đoàn quân tà giáo…, và tất nhiên Đông Kisốt đều phải trả giá. Cuối cùng vì đấu kiếm thua hiệp sĩ Vừng Trăng, và theo lời cam kết ban đầu, Đông Kisốt buộc phải trở về quê cũ, chấm dứt cuộc đời giang hồ với những việc làm điên rồ của mình. Trong tác phẩm này, Đông Kisốt được miêu tả thành một người có phẩm chất cao quý, là kẻ bảo vệ tự do và chính nghĩa. Người nông dân Xăngsô cũng được khắc họa thành một người tuy có vẻ ngây ngô nhưng lại thông minh lanh lợi, chí công vô tư. Xây dựng một người nông dân thành một trong hai nhân vật chính của tác phẩm và gán cho nhân vật ấy những phẩm chất tốt đẹp như vậy, đó là điều rất hiếm lúc bấy giờ.
Kịch:
Tác giả tiêu biểu của nghệ thuật kịch thời Phục hưng, đồng thời là người tiêu biểu cho nền văn hóa Anh thời kì này là Sếchxpia (William Shakespeare, 1564-1616). Trước Sếchxpia, việc diễn kịch trong dân gian ở nước Anh đã rất thịnh hành. Từ năm 1580 về sau, nghệ thuật kịch nói của Anh càng phát triển. Lúc bấy giờ, ở Luân Đôn chỉ có 20 vạn người mà có đến 8 rạp kịch.
Kế thừa truyền thống của đất nước và tinh hoa của kịch Hi Lạp và La Mã cổ đại, Sếchxpia đã đưa nghệ thuật kịch lên tuyệt đỉnh. Trong 20 năm hoạt động sáng tác (1592-1612) Sếchxpia đã để lại 36 vở kịch gồm hài kịch (như các vở Đêm thứ mười hai, Theo đuổi tình yêu vô hiệu, Người lái buôn thành Vênêxia), bi kịch (như các vở Rômêô và Giuliét, Hămlét, Ôtenlô, Vua Lia, Mácbét…), kịch lịch sử như Risớt II, Risớt III, Henri IV…
Trong các tác phẩm của mình, Sếchxpia đã đưa lên sân khấu các nhân vật thuộc tất cả các tầng lớp trong xã hội từ vua quan, tướng lĩnh, giáo sĩ, thương nhân cho đến con sen, thằng nhỏ… và đã đề cập đến nhiều mặt, nhiều mâu thuẫn phức tạp trong cuộc sống xã hội vào giai đoạn chế độ phong kiến đang suy tàn và chủ nghĩa tư bản bắt đầu xuất hiện.
Cũng như văn học, Ý mà trước hết là Phirenxê là nơi xuất phát đầu tiên của nền nghệ thuật thời Phục hưng. Trong hai thế kỉ XIV và XV, nền nghệ thuật ở đây gắn liền với tên tuổi của các họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng như Giốttô (1266-1337), Maxasiô (1401-1428), Đônatenlô (1386-1466), Vêrôsiô (1435-1488), Bốttixenli (1444-1510) v.v…
Giốttô là người mở đầu cho xu hướng hiện thực chủ nghĩa trong hội họa, không những vì các nhân vật trong tranh sinh động mà còn vì họa pháp lập thể do ông thể hiện.
Maxasiô, mặc dầu chết yểu (27 tuổi), là người đã phát triển chủ nghĩa hiện thực trong hội họa thêm một bước, đồng thời là người phát hiện ra quy luật viễn cận. Tác phẩm tiêu biểu của ông là Ađam và Evơ bị đuổi khỏi thiên đường.
Bốttixenli được gọi là “nhà thơ họa sĩ”. Các tác phẩm Sự ra đời của thần Vênút, Mùa xuân… của ông mang đầy chất thơ nhờ nhân vật xinh đẹp, dịu dàng, màu sắc hài hòa…
Đặc điểm chung của nghệ thuật hội họa thời kì này là tuy đề tài vẫn khai thác trong kinh thánh hoặc thần thoại, nhưng nội dung thì hoàn toàn hiện thực.
Sang đầu thế kỉ XVI, nền nghệ thuật thời Phục hưng đạt đến đỉnh cao của nó. Những thành tựu tuyệt vời về hội họa và điêu khắc gắn liền với tên tuổi của nhiều nhà danh họa mà trong đó nổi tiếng nhất là Lêônácđô đơ Vanhxi, Mikenlăngiơ và Raphaen.
Lêônácđô đơ Vanhxi (1452-1519) sinh ở thành phố Vinxi gần Phirenxê, xuất thân trong một gia đình trung lưu. Ông không những là một họa sĩ lớn mà còn là một người có kiến thức uyên bác về toán học, vật lí học, thiên văn học, địa lí học, giải phẫu học, triết học, âm nhạc, điêu khắc.
Đặc điểm nghệ thuật hội họa của Lêônácđô đơ Vanhxi là thiên về mô tả tính cách và hoạt động nội tâm của nhân vật. Những tác phẩm tiêu biểu của ông là Bữa tiệc cuối cùng, Đức mẹ đồng trinh trong hang đá, Nàng Giôcông.
Bức tranh “Bữa tiệc cuối cùng”, dựa vào câu chuyện trong bữa tiệc chia tay nhau, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ của mình rằng: “Trong các ngươi sẽ có một kẻ phản bội ta”. Bức tranh đã thể hiện được nội tâm của các nhân vật dự tiệc khi nghe câu nói đó: người thì ngạc nhiên, người thì tức giận, người thì buồn bã, người thì biểu thị sự ngay thắng trung thực của mình… Đây là một bức tranh rất hoàn hảo về mô tả nhân vật, bố cục và màu sắc. “Nàng Giôcông” (Joconde) là bức vẽ một phụ nữ thị dân Phirenxê tên là Môna Lida. Trong tác phẩm này Vanhxi đã vẽ lên được cái vẻ đẹp đầy sức sống của một người đàn bà trẻ, trong đó đặc biệt nhất là cái mỉm cười kín đáo thể hiện sự sâu sắc của nội tâm.
Mikenlăngiơ (1475-1564) sinh ở Tôxcan (Ý), là một họa sĩ, một nhà điêu khắc nổi tiếng, đồng thời là một kiến trúc sư và là một thi sĩ.
Về hội họa, tác phẩm tiêu biểu của ông là Sáng tạo thế giới và Cuộc phán xét cuối cùng. Bức tranh “Sáng tạo thế giới” vẽ trên trần nhà thờ Xixtin ở La Mã, trong đó có 343 nhân vật mà mỗi người đều lớn gấp mấy người thật và người nào cũng tỏ ra có một sức lực vô tận, do đó đã làm tăng thêm sự hùng vĩ của nhà thờ. Để vẽ bức tranh lớn này, Mikenlăngiơ đã phai nằm ngửa trên giàn giáo lao động suốt 4 năm trời (1508-1512). Còn bức tranh “Cuộc phán xét cuối cùng” thì vẽ trên tường nhà thờ Xixtin. Trong bức bích họa này, tác giả đã vẽ nhiều người chui từ trong mộ ra để nghe xét xử, họ tỏ ra rất đau khổ, quằn quại nhưng không biết làm thế nào. Ngay chúa Giêsu đứng trên trời cao cũng mất đi cái vẻ trang nghiêm vốn có mà tỏ ra đang vô cùng thương xót chúng sinh.
Về điêu khắc, các bức tượng Davit, Môidơ, Đêm, Người nô lệ bị trói v.v… là những tác phẩm tương đối tiêu biểu, đặc biệt là tượng Đavít tạc bằng đá cẩm thạch, cao 5,30 m. Khác với thần thoại trong kinh thánh, Mikenlăngiơ không thể hiện Đavít thành một thiếu niên mà thành một lực sĩ đầy sức mạnh. Vì vậy năm 1504, tượng này được dựng tại một quảng trường ở Phirenxê để thể hiện tinh thần của kẻ thống trị phải anh dũng bảo vệ thành phố.
Về kiến trúc, ông là người thiết kế đầu tiên nhà thờ Xanh Pie ở La Mã. Tuy công trình kiến trúc nổi tiếng này mãi đến năm 1626, tức là sau khi ông chết 62 năm, mới được hoàn thành, nhưng mái tròn của nhà thờ do ông thiết kế khác hẳn với mái nhọn kiểu Gôtích truyền thống.
Raphaen (1483-1520) cũng là một họa sĩ thiên tài của Ý. Tuy ông chết tương đối sớm (37 tuổi) nhưng ông đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như Cô gái làm vườn xinh đẹp, các bức tranh vẽ về thánh mẫu… Ông là một họa sĩ có sở trường về vẽ chân dung, đặc biệt là thể hiện được một cách sống động vẻ đẹp tươi tắn của các cô gái, vẻ hiển hậu dịu dàng của người mẹ và nét ngây thơ đáng yêu của các em bé.
Ngoài Ý, từ thế kỉ XVI về sau, các nước Phlăngđrơ, Hà Lan, Đức, Pháp… cũng có nhiều họa sĩ nổi tiếng như Mátxít (Quentin Matsys) người Phlăngđrơ, Lucát đơ Lâyđơ người Hà Lan, Anbrết Đuyrê (Albrecht Diirer) người Đức, Lơ Nanh người Pháp v.v… Đề tài của các tác phẩm của họ thường là những cảnh đẹp trong thiên nhiên, những hoạt động trong đời sống hàng ngày của những con người bình thường mà bức tranh “Bữa ăn của những người nông dân ” của Lơ Nanh là một ví dụ tiêu biểu.
Thời Phục hưng, các ngành khoa học tự nhiên và triết học cũng có những thành tựu lớn lao, trong đó đặc biệt quan trọng là về thiên văn học.
Nhà bác học lớn mở đầu cho một bước nhảy vọt về khoa học tự nhiên thời Phục hưng là Nicôla Côpécních (1473-1543). Ông vốn là một giáo sĩ người Ba Lan, nhưng qua nhiều năm nghiên cứu, ông đã nêu ra một thuyết về vũ trụ chống lại thuyết của nhà thiên văn học cổ đại Ptôlêmê đã ngự trị ở châu Âu suốt 14 thế kỉ. Plôtêmê cho rằng quả đất đứng yên ở trung tâm vũ trụ, mặt trời và các hành tinh quay xung quanh trái đất. Trái lại, Côpécních cho rằng trung tâm của vũ trụ không phải là trái đất mà là mặt trời, không phải mặt trời quay xung quanh trái đất mà trái đất tự quay xung quanh nó và quay xung quanh mặt trời; thể tích của quả đất nhỏ hơn thế tích của mặt trời rất nhiều. Phát hiện mới ấy của ông được trình bày trong tác phẩm Bàn về sự vận hành của các thiên thể. Tác phẩm này ông hoàn thành vào khoảng năm 1536, nhưng vì sợ bị giáo hội kết tội dị đoan nên mãi đến trước khi chết mấy hôm ông mới công bố (1543).
Người tích cực hưởng ứng học thuyết của Côpécních là nhà thiên văn học và là nhà triết học Y Gioócđanô Brunô (1548-1600). Ông cũng vốn là một giáo sĩ, nhưng trong khi giáo hội cấm lưu hành tác phẩm của Côpécních thì ông lại phát triển thêm một bước cho rằng vũ trụ là vô tận, mặt trời không phải là trung tâm của vũ trụ mà chỉ là trung tâm của Thái dương hệ chúng ta, ngoài ra còn có rất nhiều thái dương hệ khác, ông còn chứng minh rằng vật chất luôn luôn vận động, luôn luôn biến đổi và tồn tại vĩnh viễn.
Một nhà thiên văn học Ý khác là Galilê (1564-1642) tiếp tục phát triển quan điểm của Côpécních và Brunô. Ông là người đầu tiên dùng kính viễn vọng phóng to gấp 30 lần để quan sát bầu trời. Ông đã chứng minh rằng mặt trăng cũng là một hành tinh giống như quả đất, bề mặt của nó cũng có núi non gồ ghế chứ không phải nhẵn bóng. Ông còn phát hiện được thiên hà là do vô số vì sao tạo thành, giải thích được cấu tạo của sao chổi. Ông cũng là người mở đầu cho ngành khoa học thực nghiệm, phát hiện ra các định luật rơi thẳng đứng và dao động của các vật thể.
Đồng thời với Galilê, nhà thiên văn học Đức Kêplơ (Kepler, 1571-1630) đã phát minh ra ba quy luật quan trọng về sự vận hành của các hành tinh xung quanh mặt trời.
Ngoài ra, các lĩnh vực khác như vật lí học, toán học, y học v.v… cũng có nhiều thành tựu quan trọng gắn liền với tên tuổi nhiều nhà bác học nổi tiếng. Những phát minh khoa học tương đối tiêu biểu trong số đó là hình học giải tích của nhà toán học Pháp Đêcáctơ (1596-1650), áp lực của chất lỏng của nhà vật lí học Ý Tôrixeli (1608-1647) thuật giải phẫu của nhà y học Nêđéclan Vêdalơ (Vésale, 1514-1564), sự tuần hoàn của máu của nhà y học Anh Havi (Harvey, 1578-1657) v.v…
Trên cơ sở những thành tựu mối của khoa học tự nhiên, lĩnh vực triết học cũng có một bước tiến quan trọng. Người mở đầu cho trường phái triết học duy vật thời Phục hưng là Phranxít Bâycơn (Francis Bacon 1561-1626) nhà triết học người Anh. Ông rất đề cao nhà triết học duy vật Hi Lạp cổ đại Đêmôcrít, trái lại kịch liệt phê phán chủ nghĩa duy tâm của Xôcrát và Platông, công kích triết học kinh viện chỉ thích sùng bái quyền uy và tín ngưỡng ngẫu tượng.
Ngoài ra còn có nhiều học giả nhờ giỏi cổ văn đã tập trung sức lực vào công việc khảo cứu mà trong đó tiêu biểu nhất là Vala (1407-1457) người Ý. Ông đã chứng minh được rằng “Bức thư trao tặng của hoàng đế Cônxtăngtinút” là một văn kiện giả do tòa thánh La Mã ngụy tạo ra từ thế kỉ IX. Nội dung của bức thư đó nói rằng khi dời đô sang Côngxtăngtinôplơ, hoàng đế Cônxtăngtinút đã nhường quyền thống trị Tây Âu cho tòa thánh La Mã. Nhưng Vala đã chỉ ra rằng, xét về mặt lịch sử, việc đó không thấy ghi chép ở bất cứ một tài liệu nào và về mặt ngôn ngữ thì trong bức thư có nhiều từ gốc Giécmanh mà thời Cônxtăngtinút chưa có.
Tóm lại, sau gần 1.000 năm chìm lắng, đến thời Phục hưng, nền văn học Tây Âu đã có một bước tiến lớn lao và đã để lại nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật bất hủ và những thành tựu khoa học lỗi lạc.
Phong trào Văn hóa phục hưng tuy có tiếp thu và kế thừa một số yếu tố trong nền văn hóa Hi Lạp và La Mã cổ đại nhưng thực chất đây không phải là một phong trào làm sống lại những di sản văn hóa cổ xưa mà là một phong trào văn hóa hoàn toàn mới dựa trên nền tảng kinh tế xã hội mới và được chỉ đạo bởi một hệ tư tưởng mới. Nói một cách khác, phong trào Văn hóa phục hưng là cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng của giai cấp tư sản mới ra đời nhằm chống lại những quan niệm lỗi thời ràng buộc tư tưởng tình cảm của con người và kìm hãm sự phát triển xã hội của phong kiến và giáo hội Thiên chúa.
Tư tưởng chủ đạo của phong trào Văn hóa phục hưng là chủ nghĩa nhân văn (humanisme). Đó là hệ tư tưởng chú trọng đến con người, chú ý đến cuộc sống hiện tại, chủ trương cho con người được quyền hương mọi lạc thú ở đời, do đó nó hoàn toàn đối lập với quan niệm của giáo hội Thiên Chúa chỉ sùng bái Chúa, chỉ chú ý đến cuộc sống của linh hồn sau khi chết ở Thiên đàng và đề xướng chủ nghĩa cấm dục.
Dưới sự chỉ đạo của hệ tư tưởng mới ấy, tính chất cách mạng của phong trào Văn hóa phục hưng thể hiện ở các mặt sau đây:
Lên án, đả kích, châm biếm sự tàn bạo dốt nát, giả nhân giả nghĩa của các giáo sĩ từ giáo hoàng đến các tu sĩ và của giai cấp quý tộc phong kiến.
Đây là một nội dung tư tưởng được thể hiện trong hầu hết các tác phẩm văn học thời Phục hưng. Ví dụ, trong “Thần khúc”, Đantê đã đặt các nhân vật trong lịch sử hoặc đương thời ở thiên đường hay địa ngục trái hẳn với quan niệm của giáo hội. Chẳng hạn như theo giáo hội thì các giáo hoàng, giáo sĩ là những kẻ đại diện của Chúa, sau khi chết tất nhiên sẽ được lên thiên đàng, nhưng Đantê lại thấy họ ở địa ngục để vĩnh viễn chịu sự đày đọa ở đó, thậm chí giáo hoàng Bôniphaxơ VIII lúc bây giờ đang sống cũng đã được dành sẵn một chỗ trong lò lửa ở tầng địa ngục thứ sáu. Rabơle thì mượn các loài chim ở đảo Xonnăngtơ để ám chí giáo hoàng (chim chúa papơgô), hồng y giáo chủ (chim lông đỏ), giáo sĩ và tu sĩ (chim lông đen tuyền hoặc có khoang trắng) và lên án cả tập đoàn ấy chỉ biết hót và ăn cho béo. Trong tập “Mười ngày” Bôcaxiô đã thuật lại câu chuyện của một tu sĩ tên là Anbe giả và làm thánh Gabrien để lừa bịp cô gái Lidét xinh đẹp và mộ đạo nhưng cuối cùng, âm mưu của “đức thánh” bị lộ, qua đó để tố cáo sự sa đọa của các tu sĩ. Vở hài kịch “Theo đuổi tình yêu vô hiệu” của Sếchxpia chủ yếu cũng nhằm chế giễu thói đạo đức giả của các triết gia kinh viện. Những học giả kiêm giáo sĩ đáng kính này thề suốt đời xa rời cuộc sống trần tục chỉ chuyên tâm nghiên cứu nền triết học thần bí cao siêu của Chúa, nhưng khi họ vừa thấy công chúa nước Pháp và đám thị tì đến thì họ quên ngay lời thề, hăm hở theo đuổi, săn đón, cuối cùng họ phải thú nhận rằng, con mắt của đàn bà đẹp đẽ và hấp dẫn hơn bao tủ sách khô khan của khoa thần học. Đồng thời với việc phê phán giáo hội và các giáo sĩ, các nhà văn thời Phục hưng còn chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chế độ phong kiến và tầng lớp vua quan, Rabơle đã không hề kiêng nể khi nói rằng các vua chúa “là giống bò ngu ngốc chẳng có giá trị gì. Chúng chuyên làm hại dân lành ờ dưới quyền thống trị của mình và gây ra những cuộc chiến tranh náo động thế giới vì những tham vọng bất công và xấu xa của chúng”. Còn các quan tòa thì bị ví như giống mèo xổm chuyên ăn thịt trẻ con (dân lành) và chuyên ăn của hối lộ. Vở kịch “Hămlét” của Sếchxpia cũng là một lời tố cáo đanh thép đối với xã hội phong kiến. Qua nhân vật của mình, tác giả đã đi đến nhận định rằng “thế giới là một nhà tù mà Đan Mạch là nhà tù ghê tởm nhất”, vì ở đó tài trí, thông minh, tình yêu, đạo đức đều bị chà đạp, còn giai cấp thống trị toàn là bọn đê hèn, xảo quyệt, dâm đãng, phản bội, tàn bạo… Do vậy, Hămlét tự nhận thấy mình có sứ mạng phải ra tay chống lại thế giới phong kiến đầy rẫy tội ác để “khôi phục trật tự cho thời đại”. Xécvăngtét thì qua tác phẩm “Đông Kisốt” của mình, chứng minh rằng xã hội phong kiến đã hoàn toàn lỗi thời, do đó một người dù có phẩm chất cao quý, một kẻ sẵn sàng làm việc nghĩa như nhà quý tộc già phá sản Kixara muốn tiếp tục sống cuộc đời kị sĩ giang hồ tức là muốn tiếp tục duy trì xã hội phong kiến thì chỉ làm trò cười và chuốc lấy thất bại mà thôi. Hơn nữa, Xécvăngtét còn đả kích mạnh mẽ vào quan niệm đề cao dòng máu quý tộc khi ông cho Đông Kisốt nói với Xăngsô rằng: Xăngsô ạ, ngươi phải lấy nguồn gốc nghèo nàn của ngươi làm vinh quang. Đừng có sợ nói cho mọi người biết mình xuất thân là nông dân… nghèo nàn mà có đạo đức còn hơn là quý tộc mà gian ác… dòng máu quý tộc thì cha truyền con nối, còn đạo đức thì tự mình mà có và đạo đức của con người giá trị gấp trăm nghìn lần dòng máu”.
Chống lại quan niệm của giáo hội về con người và cuộc sống trần gian.
Để chống lại quan niệm của giáo hội chỉ chú trọng thần linh và thế giới bên kia, coi nhẹ con người, đề xướng chủ nghĩa khổ hạnh, bóp chết tình cảm, kìm hãm tư tưởng và lí trí con người, các nhà nhân văn chủ nghĩa thời Phục hưng hết sức đề cao con người, cho con người là “vàng ngọc của vũ trụ”, là một công trình tuyệt mĩ…, “trong hành động giống như thiên thần, về trí tuệ ngang tài thượng đế! Thật là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài!” (Sếchxpia). Cũng chính vì vậy, bất chấp sự cấm đoán của giáo hội, nhiều họa sĩ đã chú ý miêu tả vẻ đẹp của con người, nhất là vẻ đẹp của cơ thể phụ nữ. Dưới các đề tài có tính chất thần thoại như “Sự ra đời của Vênút”, “Vênút đang ngủ”… thực chất là các họa sĩ muốn thể hiện mục đích đó. Đồng thời với việc tán dương vẻ đẹp và đề cao trí tuệ, tài năng của con người, các văn nghệ sĩ thời Phục hưng chủ trương phải chú trọng đến quyền tự do của con người vì đó “là điều quý báu nhất của loài người. Những kho tàng trong lòng đất hay dưới biển khơi cũng không quý bằng” (Xécvăngtét). Đồng thời, con người phải được giáo dục để phát triển một cách toàn diện, và phải được sống thoải mái, tận hưởng mọi lạc thú ở đời. Còn Rabơle thì thông qua cách tổ chức tu viện Têlem trong tác phẩm của mình để bày tỏ quan điểm giáo dục và nhân sinh quan của tác giả. Đó là một tu viện không có tường xây bọc kín xung quanh. Tu viện chỉ nhận những nam nữ thiếu niên xinh đẹp, khỏe mạnh, nở nang. Châm ngôn của tu viện là “muốn làm gì thì làm”. Ngày tháng trong tu viện không phải trôi qua trong cảnh tĩnh mịch, hiu quạnh mà trái lại đó là những ngày vui tươi và được chơi đùa thỏa thích. Tu viện được trang hoàng lộng lẫy bằng những công trình tuyệt tác, trong tu viện có nhà hát, bể bơi, trường đua ngựa, vườn hoa, rừng cây để dạo mát và săn bắn. Phía ngoài phòng của nữ tu sĩ có sẵn thợ trang điểm cho các nam tu sĩ trước khi họ vào thăm nữ tu sĩ. Sáng sáng các nữ tu sĩ được cấp một lư trầm ngào ngạt và đủ các loại nước hoa thơm ngát. Các nam nữ tu sĩ được tu viện cho học một chương trình văn hóa toàn diện, biết nói năm, sáu loại ngoại ngữ. Họ không phải ở suốt đời trong tu viện mà có thể tùy ý hoặc do yêu cầu của cha mẹ có thể rời tu viện bất cứ lúc nào và có thể mang theo một người bạn tình để xây dựng gia đình. Rõ ràng đó là một cách nói khác để phản đối chủ nghĩa cấm dục, chủ nghĩa khổ hạnh của giáo hội và thậm chí muốn phá bỏ chế độ tu kín.
Chống những quan điểm phản khoa học và chủ nghĩa duy tâm.
Đây chủ yếu là cống hiến của các nhà khoa học và triết học. Những phát hiện của các nhà thiên văn học như Côpécních, Brunô, Galilê… đã đánh đô hoàn toàn quan niệm sai lầm của giáo hội về vũ trụ đã ngự trị lâu đời ở châu Âu.
“Nếu có những người không biết gì về toán học, chỉ dựa vào kinh thánh để giải thích quanh co mà kịch liệt công kích tác phẩm của tôi thì tôi cũng không cần để ý tới. Tôi cho rằng chủ trương của họ không những nhảm nhí mà còn đáng xấu hô”. Galilê thì phát hiện ra rằng thiên hà là do vô số vì sao tạo nên và như vậy không phải là do Chúa trời sáng tạo ra để chiếu sáng cho mặt đất. Đồng thời bước phát triển mới của triết học duy vật dựa trên những phát minh của khoa học tự nhiên đã giáng những đòn quyết định vào thần học và triết học kinh viện. Cả hai lĩnh vực này đã làm lung lay quyền uy về tư tưởng và lí luận của giáo hội, làm cho quần chúng giảm lòng tin đối với các tín điều của đạo Thiên chúa.
Đề cao tinh thần dân tộc, tình yêu đối với Tổ quốc và tiếng nói của nước mình.
Phong trào Văn hóa Phục hưng xuất hiện trong thời ki ra đời của quan hệ tư bản chủ nghĩa và đó cũng là thời kì diễn ra quá trình hình thành dân tộc ở Tây Âu. Vì vậy, đồng thời với việc chống phong kiến và giáo hội, các nhà nhân văn chủ nghĩa đã hết sức tán dương tình yêu đối với đất nước và đồng bào của mình. Chính xuất phát từ tinh thần đó, Makiaven (1469-1527), nhà sử học kiêm nhà văn Ý đã viết những lời hết sức nồng nhiệt đối với Tổ quốc như sau: “Mỗi lần có thể đề cao thanh danh cho Tổ quốc, mặc dù có nguy nan cho bản thân, tôi vẫn không ngần ngại và tự nguyện làm. Trong đời sống của mỗi người, nghĩa vụ đối với Tổ quốc là vĩ đại nhất. Đời sống của mình chính nhờ Tổ quốc mình mới được hưởng. Nhờ Tổ quốc mà ta được hưởng các của cải, quyền lợi của tạo hóa hay số mệnh ban cho. Tổ quốc càng vinh dự bao nhiêu thi vận mệnh chúng ta, con đẻ của Tổ quốc, càng huy hoàng bấy nhiêu…”. Còn Đantê thì nói: “Tiếng nói của dân tộc là tiếng nói của tôi. Không phải tôi chỉ yêu tiếng nói của dân tộc mà tôi còn yêu dân tộc với tất cả tấm lòng chân thành”. Đantê không những chỉ yêu tiếng nói của dân tộc mình mà chính ông, qua các tác phẩm của mình đã làm phong phú thêm tiếng nói của dân tộc. Nhiều câu nói trong “Thần khúc” ngày nay đã trở thành thành ngữ hoặc ngạn ngữ. Rôngxa (1524-1585), nhà thơ Pháp, người đã có công xúc tiến việc dùng tiếng mẹ đẻ trong văn chương và xác định các luật thơ trong thơ ca Pháp, cũng nói: “Vì là tiếng mẹ đẻ của anh, anh lại cần phải biết nó một cách sâu sắc chu đáo hơn nữa… Ai là người rời bỏ tiếng cổ Hi Lạp, La Mã để tôn kính tiếng mẹ đẻ của mình, những người ấy là những người con tốt, là những công dân biết ơn Tổ quốc, những người ấy xứng đáng được đúc tượng và tặng hoa, tên tuổi và công đức được đời đời ghi nhớ”.
Ngoài những nội dung chủ yếu nói trên, một số nhà nhân văn chủ nghĩa thế kỉ XVI, tức là khi chủ nghĩa tư bản đã ra đời phổ biến ở Tây Âu như Xécvăngtét, Sếchxpia cũng đã bắt đầu thấy được xã hội quá đề cao vai trò của đồng tiền cũng không lấy gì làm tốt đẹp.
Trong vở kịch “Rômêô và Giuliét”, khi tình yêu bị ngăn trở, Rômêô đi mua thuốc độc để tự tử, anh đã nói với người bán hàng rằng: “Này vàng của anh đây, cầm lấy đi. Trên thế giới đáng thương này, cái chất này còn độc bằng mấy những chất độc mà anh không dám bán; nó giết hại bao tâm hồn con người. Đây, ta bán cho anh thuốc độc ấy đây chứ nào có phải anh bán cho ta đâu!”. Trong “Timông ở Aten”, Sếchxpia lại viết về thế lực lớn lao có thể đảo lộn mọi việc trên đời của đồng tiền như sau: “Vàng! Vàng kim, vàng óng ánh, vàng quý giá!… Chỉ bấy nhiêu đã đổi trắng thay đen, biến xấu thành đẹp, biến bất công thành công bằng, hèn hạ thành cao quý, già thành trẻ, khiếp nhược thành dũng cảm. Hỡi thần linh bất tử, cái ấy là cái gì? Cái ấy là cái khiến cho linh mục và đệ tử của ngài làm ngơ trước bàn thờ của ngài… Tên nô lệ màu vàng ấy xây dựng và phá hủy tôn giáo của ngài, làm cho kẻ độc ác được hưởng phúc lành, làm cho người ta tôn sùng những gì ghê tởm nhất, đặt kẻ trộm cắp lên ghế thượng nghị sĩ, ban chức tước danh vọng cho chúng và làm cho chúng được mọi người quy lụy. Cái ấy khiến cho mụ đàn bà góa già cỗi, tàn tạ trở thành cô dâu mới”.
Chính vì phong trào Văn hóa phục hưng thực chất là một phong trào cách mạng về văn hóa tư tưởng chống phong kiến và giáo hội nên đã gặp sự phản kích mạnh mẽ của giáo hội; không ít nhà văn, nhà khoa học, nhà triết học đã bị hãm hại bằng những hình thức khác nhau, trong đó Brunô, Galilê là những trường hợp tương đối điển hình.
Vốn là một giáo sĩ nhưng đã tán thành và phát triển quan điểm thiên văn học của Côpécních, Brunô bị giáo hội cho là một kẻ tin theo tà thuyết nên phải chạy sang Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Đức nhưng ở đâu cũng bị phái bảo thủ hãm hại, bất đắc dĩ phải trở về Ý và bị cơ quan pháp luật bắt giam 8 năm và cuối cùng bị thiêu sống.
Galilê thì bị bắt giải đến La Mã và bị đem ra xử trước một phiên tòa gồm 10 Hồng y giáo chủ. Trong bản án buộc tội nhà khoa học nổi tiếng này có đoạn viết:..
“… Tên Galilê… bị tòa án nghi ngờ là tà giáo tức là nghi ngờ rằng ngươi đã tin và theo cái tà thuyết đối lập với kinh thánh, một tà thuyết cho rằng mặt trời là trung tâm của vòng quỹ đạo trái đất và mặt trời không chuyển động từ Đông sang Tây và rằng trái đất chuyên động chứ không phải là trung tâm của thế giới… do đó ngươi phải chịu tất cả mọi sự cải đổi và hình phật mà luật thánh và các bộ luật công và tư khác đã quy định và công bố… “.
Kết quả là Galilê phải quỳ trước tòa án tuyên bố những quan điểm của mình là sai lầm và xin từ bỏ những luận điểm ấy. Tuy vậy ông vẫn bị giáo hội giam cầm đến nỗi hai tai bị điếc, hai mắt bị lòa và đến năm 1642 thì chết. Sau khi ông chết, giáo hội vẫn không cho làm lễ mai táng, mãi đến thế kỉ XIX, một số người kính phục ông mới chính thức tổ chức mai táng hài cốt của ông và dựng bia kỉ niệm. Đồng thời với việc trừng trị bản thân ông, tác phẩm khoa học của ông có nhan đề là Đàm thoại của Galilêô Galilê cũng bị cấm lưu hành.
Ngoài ra, một số người khác cũng bị bỏ tù, trục xuất hoặc nhẹ nhất như Rabơle cũng bị rút phép thông công. Vì vậy Ăngghen viết:
“Sát cánh với các vĩ nhân người Ý, thủy tổ của triết học cận đại, khoa học tự nhiên cũng đã phải cung cấp những người của nó cho cái lò thiêu và ngục tối của tòa án Tôn giáo”.
Là một phong trào cách mạng về văn hóa và tư tưởng, phong trào Văn hóa phục hưng có những ý nghĩa rất quan trọng:
Bằng tinh thần đấu tranh dũng cảm bất chấp lò thiêu và ngục tối của tòa án tôn giáo, các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa thời Phục hưng đã đánh bại hệ tư tưởng lỗi thời của phong kiến và giáo hội Thiên chúa, do đó đã giải phóng tư tưởng tình cảm con người khỏi mọi sự kìm hãm và trói buộc của giáo hội. Từ đó chủ nghĩa nhân văn với các nội dung nhân quyền, nhân tính, cá tính ngày càng giữ vai trò chi phối không những về văn học nghệ thuật mà cả trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Sau một nghìn năm chìm đắm, phong trào Văn hóa phục hưng là một bước tiến diệu kì trong lịch sử văn minh ở Tây Âu. Các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, triết học đã đóng góp trí tuệ và tài năng tuyệt vời của mình vào phong trào văn hóa đó bằng những tác phẩm và công trình bất hủ, do đó đã làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của nhân loại. Hơn nữa những công trình văn hóa đó về nhiều mặt là chuẩn mực, là sự mở đầu cho đời sau noi theo, chẳng hạn như việc khai thác đề tài trong cuộc sống hiện thực, chú ý đến vẻ đẹp của con người nhất là của phụ nữ trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, hoặc như việc phát minh ra cách vẽ tranh sơn dầu, luật viễn cận, luật sáng tối trên lĩnh vực hội họa, hoặc như những quan điểm mới về thiên văn học, những phát minh về y học v.v… Như vậy, phong trào Văn hóa phục hưng đã đặt cơ sở và mở đường cho sự phát triển của văn hóa Tây Âu trong những thế kỉ tới.
Chùa Trấn Quốc – Di Tích Lịch Sử – Văn Hoá Hà Nội
Trấn Quốc Tự có từ thế kỷ 6; lúc đầu ở gần sông Hồng; đến năm 1615 dời vào một bán đảo nhỏ của Hồ Tây nằm trên đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Theo sử sách, chùa vốn dựng ở gần bờ sông Hồng, thuộc đất bãi của làng Yên Hoa (tức Yên Phụ sau này). Ban đầu chùa mang tên rất có ý nghĩa thời sự là Khai Quốc (mở nước). Khi ấy Lý Nam Đế (541 – 547) mới giành được độc lập dân tộc và đặt quốc hiệu Vạn Xuân. Vua đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch, cách làng này chỉ một quãng đò dọc.
Theo Phật sử, tại ngôi chùa này từng có các vị cao tăng và danh nhân đến thụ giáo và tu trì như Văn Phong Pháp sư, Khuông Việt Thái sư, Ngô Chân Lưu, Thảo Đường, Thông Biện, Viên Học, Tịnh Không, Trần Tú Uyên và nhiều bậc chư tôn đức khác. Năm 580 Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi từ Ấn Độ đã qua đây tu rồi sau mới sang trụ trì ở chùa Pháp Vân.
Thời Lý, Thái Hậu Ỷ Lan thường mở tiệc Trai tăng và hỏi chư tăng về đạo Phật. Chùa Trấn Quốc về sau cũng từng là Tổ đình của Thiền phái Tào Động do vị Tịnh Trí Giác Khoan, một Thiền sư đời Hậu Lê truyền đến, hiện nay có các tòa tháp để lại.
Đầu thế kỷ 15, Lê Lợi tụ hợp hiền tài, phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn, 10 năm sau đuổi được giặc Minh, chấm dứt cuộc Bắc thuộc lần thứ 2. Mong mỏi đất nước an bình lâu bền, cho nên đến năm 1440 vua Lê Thái Tông đổi tên chùa là An Quốc.
Năm 1615, dưới triều vua Lê Kính Tông, chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ của cung Thúy Hoa (thời Lý) và điện Hàn Nguyên (thời Trần). Năm 1639 chúa Trịnh cho sửa lại cổng tam quan và xây hành lang hai bên tả hữu. Khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705) đời vua Lê Hy Tông, chùa được đặt tên là Trấn Quốc.
Chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng trong thời Nguyễn sau lần đến thăm của vua Minh Mạng (1821). Năm 1842 vua Thiệu Trị trong cuộc tuần hành ra Bắc đã đến thăm chùa, cho tu sửa và đổi hiệu là Trấn Bắc. Mãi đến cuối thế kỷ 20 mới xây bờ kè và lát ngõ vào từ đường Cổ Ngư cũ, gần đây lại dựng một ngọn tháp cao và cổng tam quan mới.
Chùa Trấn Quốc bao gồm ba nếp nhà tiền đường, thiêu hương và thượng điện nối liền nhau theo hình chữ “công” (工), hai bên là hành lang tả vu và hữu vu. Phía sau thượng điện là gác chuông, nhà Tổ và nhà bia.
Bước qua tam quan, ta thấy rõ ngọn tháp cao 11 tầng màu nâu đỏ sừng sững vượt lên trên bức tường ngăn, trong mỗi tầng có 6 pho tượng trắng toát. Rẽ trái vào cửa ngách đầu tiên, du khách lần đầu đến thăm sẽ ngạc nhiên trước cả một vườn mộ cổ quy tụ xung quanh ngôi tháp lục giác, minh chứng cho lịch sử lâu đời của chùa Trấn Quốc.
Vườn tháp nằm liền với một sân gạch có hòn non bộ, hai bên là nhà bia và nhà Tổ, phía giữa chắn bởi mặt sau của toà nhà hai tầng với gác chuông bằng gỗ chạm ở trên. Trong nhà Tổ rộng 5 gian thì 3 gian chính dành để thờ các sư Tổ, còn 2 gian đầu hồi thờ Mẫu; trên các ban thờ có đặt nhiều pho tượng sinh động.
Đi thẳng con đường lát gạch từ tam quan men theo ven hồ, du khách sẽ đến sân tiền đường ở phía tây-nam. Trước sân có một cây bồ đề tán lá xum xuê, chiết từ gốc cổ thụ tại Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ. Đó chính là món quà tặng của Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.
Chùa Trấn Quốc được bao bọc bởi cây cối um tùm và Hồ Tây quanh năm xanh nước với những đợt sóng dâng cao bất ngờ. Mỗi khi trời trong, đỉnh Ba Vì xa xăm in bóng. Buổi sớm sương mờ hoặc chiều tà đỏ ối rồi đêm trăng vàng dịu… tất cả đều gợi lên thi hứng. Các danh sĩ như Nguyễn Huy Lượng, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, Bà huyện Thanh Quan.. đã từng dạo quanh đây và để lại những tác phẩm tuyệt vời.
Hiện trong chùa còn 14 tấm bia đá, trong đó có bia của trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính (1587 – 1693) và tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760 – 1825). Các văn bia đã ghi lại nhiều tư liệu quý và mô tả đầy đủ những lần tu tạo chùa trong các năm 1624, 1628, 1639, 1815, 1821, 1842.
Dọc theo chính điện với nhiều tầng cửa võng chạm trổ tinh xảo có bài trí một hệ thống đầy đủ các tượng Phật và Bồ tát dát vàng, hai cửa vào thiêu hương đều có tượng Kim Cương đứng trấn. Gian bên trái tiền đường thờ tượng Quan Vũ, Châu Sương và gian bên phải thờ tượng Đức Ông cùng các thị giả.
Chùa Trấn Quốc nằm trên doi đất phía đông-bắc của Hồ Tây, thuộc đất làng Yên Phụ, nơi có ngôi đình với điện thờ thần Linh Lang. Vào dịp lễ hội mùa xuân hằng năm dân làng tổ chức đám rước từ đình sang chùa rồi từ chùa về làng bằng cả một đoàn thuyền nối nhau cờ reo trống thúc tưng bừng.
Trải qua bao cuộc bể dâu, Trấn Quốc vẫn là một trong những ngôi chùa thiêng liêng bậc nhất đối với Phật tử Việt Nam. Ngôi chùa cổ nhất của thủ đô Hà Nội đã được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia ngay từ đợt đầu (1962).
…
Hits: 7756
Mỹ Thuật Phục Hưng Là Gì?
Vài nét khái quát về Phục Hưng
Thời kỳ Phục Hưng có gốc từ tiếng Pháp – Renaissance (nghĩa là sự tái sinh), còn gọi là Rinascimento (tiếng Ý), là cuộc tái sinh các giá trị nghệ thuật, tư tưởng, khoa học của thời kì Cổ đại và sự sống lại, phát triển rực rỡ của nền văn minh phương Tây. Phong trào Phục Hưng bắt đầu từ khoảng thế kỉ 14 tại Ý và thế kỉ 16 tại Bắc Âu. Nó đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp của châu Âu từ thời kỳ Trung cổ sang thời kỳ Cận đại, cũng như từ thời kỳ phong kiến sang thời kỳ tư bản.
Phục Hưng được gọi như thế vì đặc tính cơ bản của thời kỳ này là sự hồi sinh của tinh thần thời kỳ Cổ đại. Chủ nghĩa Nhân văn chính là phong trào tinh thần cơ bản của thời kỳ này. Việc hồi sinh thể hiện ở chỗ nhiều yếu tố của tư tưởng thời kỳ Cổ đại được tái khám phá và sống lại (văn học, tượng đài kỷ niệm, tác phẩm điêu khắc, triết học,…và hơn cả đó là hội hoạ). Trong một nghĩa rộng người ta hiểu Phục Hưng là sự hồi sinh của thời kỳ Cổ đại với các ảnh hưởng của thời kỳ này đến khoa học, văn học, xã hội, cuộc sống của những tầng lớp thượng lưu và sự phát triển của con người đi đến tự do cá nhân ngược lại với chế độ đẳng cấp của thời kỳ Trung cổ. Trong nghĩa hẹp hơn Phục Hưng là một thời kỳ của lịch sử nghệ thuật – “thời kì của hội hoạ”.
Nét độc đáo trong hội họa Phục hưng
Các tác phẩm Phục Hưng mang tư tưởng nhân văn: ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, sức mạnh con người. Bỏ lối vẽ chi tiết cũ sang khái quát hóa hình thức hoành tráng. Tìm chỗ dựa ở nghệ thuật cổ đại Hy lạp – La mã. Tranh thời kì Phục Hưng là tranh của sự mẫu mực. Tả chất vô cùng độc đáo với làn da mềm mại của người phụ nữ và cơ bắp chắc khỏe của người đàn ông… Tạo hình khốc liệt, có sức mạnh về chiều sâu không gian. Các hoạ sĩ vẽ rất nhiều tranh khỏa thân, ngay cả trong tôn giáo, các thiên thần, thánh thần…
Hội hoạ thời Phục Hưng là đỉnh cao của hội hoạ, là bước ngoặt của nền mĩ thuật thế giới, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển nhiều lĩnh vực như: tìm ra chất liệu sơn dầu, phát triển bộ môn giải phẫu tạo hình, luật xa gần, phối cảnh, hình hoạ, nhiếp ảnh… Là nơi sản sinh ra rất nhiều nhân tài nghệ thuật, nhiều hoạ sĩ nổi tiếng, nhiều tác phẩm để đời cho cả thế giới. Phục hưng có nghĩa là “làm sống lại”. Đã vậy, chỉ nhìn vào những tác phẩm hội hoạ của thời Phục Hưng chúng ta có thể nhận ra về mặt tôn giáo và lịch sử mà không cần phải qua sách vở. Đó là những tác phấm sống mãi với thời gian.những hoạ sĩ bậc thầy lớn để các ngòi bút không ngừng tranh cãi mặc dù đã cách xa hàng trăm năm.
Một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu của thời kì Phục Hưng
Giotto di Bondone (1267 – 1337)
Giotto là một thiên tài đã phá vỡ vòng kim tỏa của nghệ thuật Byzantine và thoát ra, mạo hiểm dấn thân vào một thế giới mới, đã chuyển dịch những hình tượng sống động của nghệ thuật Gothic vào trong hội họa. Người Ý tin rằng một kỉ nguyên nghệ thuật hoàn toàn mới đã bắt đầu mới sự xuất hiện của họa sĩ vĩ đại ấy. Ông nổi tiếng với các bức bích họa trong Nhà Nguyện Arena (Arena Chapel), hoàn thành khoảng năm 1305, mô tả cuộc đời Đức mẹ Đồng Trinh và Chúa Jesu. Đây được coi là một trong những kiệt tác của thời kì đầu Phục Hưng.
Các bức bích họa bên trong Nhà Nguyện Arena Nụ hôn của Dudas Vào thành Jerusalem ( Entry into Jerusalem) Phán xét cuối cùng Trích đoạn bức bích họa Phán xét cuối cùng Leona Da Vinci (1452 – 1519)
Leonar da Vinci là một họa sĩ, đồng thời cũng là nhà bác học am hiểu nhiều bộ môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên: điêu khắc, kiến trúc, toán học, cơ khí học, sinh học,… Sự hiểu biết của ông mang dấu vết liên tục trong lịch sử khoa học và nghệ thuật Châu Âu qua nhiều thế kỉ. Ông được xem là một trong những nhà nghiên cứu và sáng tạo cái mới xuất sắc. Trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, ông chỉ để lại khoảng 30 tác phẩm. Song mỗi tác phẩm của ông lại là một cuộc tìm tòi để tạo ra cái mới cho nhiều thế hệ sau học tập. Những tác phẩm của ông còn giữ tới ngày nay là những mẫu mực về nhiều mặt cho nền hội họa thế giới.
Trong thời gian ở Milan giữa những năm 1495- 1498, Leonar vẽ bức tranh tường cho nhà thờ Thánh Maria denhla – Hraxi ( gần Milan ) “Buổi họp kín” hay còn gọi là bữa tiệc cuối cùng (1495 – 1498) – Tranh tường. Tác phẩm không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn có giá trị to lớn về tính khoa học trong nghệ thuật. Điều mà Leonar vẫn tâm đắc và tự hào.
Bữa tiệc cuối cùng (1495 – 1498)
Sẽ thật thiếu sót nếu nhắc tới Leonar mà không nhắc tới tác phẩm Monalisa hay còn gọi là La giocongdo. Bức tranh nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của họa sĩ.
Nàng Monalisa
Đây là bức chân dung miêu tả tâm lý rất thành công. Nhân vật trong tranh được tác giả chăm chút cả về vẻ đẹp ngoại hình lẫn nội tâm. Điểm đặc biệt trong bức tranh là nụ cười bí hiểm của nàng Monalisa, nụ cười vừa phảng phất niềm vui và nỗi buồn khiến người xem cứ vương vấn mãi. Vẻ đẹp của nàng là một vẻ đẹp lý tưởng không chỉ của thế kỉ XVI mà còn là vẻ đẹp lý tưởng của mọi thời đại.
Không chỉ thành công ở thể loại chân dung, đề tài về Chúa và thần thoại cũng được Leonar thể hiện rất thành công với những tác phẩm nổi tiếng như: Đức Mẹ Litta, Leda… Từ năm 1500 – 1516 Leonard dành nhiều thời gian để nghiên cứu khoa học. Ông muốn sáng tác một bộ Bách khoa toàn thư về “sự vật trong thiên nhiên”. Ngoài ra ông vẫn sáng tác cho đến cuối đời.
Lady and an ermine Đức mẹ Madona trong hang đá Bella Principessa Đức mẹ Đồng Trinh và Chúa hài đồng Đức mẹ Litta Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni (1475 – 1564)
Michelangelo không chỉ là nhà điêu khắc nổi tiếng của thời kỳ phục hưng mà còn là một kiến trúc sư, một hoạ sĩ và là một nhà thơ. Ở bất kì lĩnh vực nào ông cũng để lại những tác phẩm tiêu biểu được lưu giữ mãi tới mai sau.
Ông là một hoạ sĩ kỳ tài với tác phẩm nổi tiếng nhất là quần thể tranh trong nhà thờ Sistine. Tuy vậy niềm đam mê thật sự của ông lại là tạc nên những pho tượng và tác phẩm đầu tiên đưa tên tuổi và uy tín của ông đến với mọi người là: Pietta (theo tiếng Pháp có nghĩa là “tình thương”). Tác phẩm được ông hoàn thành trong 5 năm. Với tác phẩm này ông đã rất thành công khi miêu tả nỗi xót thương, đau đớn của đức mẹ trước đứa con đã mất trên tay. Chân dung chúa Jesu cũng được tác giả miêu tả vô cùng sống động. Ở đó ta nhìn thấy rõ nỗi đau đớn mà chúa phải chịu đựng trước khi mất nhưng ta cũng nhìn thấy ở chân dung đó niềm kiêu hãnh của một vị anh hùng, một đấng cứu thế. Ngoài ra tác phẩm còn thành công trong việc thể hiện những nét gấp trang phục, chất da thịt mền mại. Bằng thủ pháp đối lập giữa nét mền mại của các nếp áo váy phong phú và đa dạng với mảng phẳng nhẵn của cơ thể chúa Jesu. Sự đối lập đó tạo nên sự nổi bật khác nhau của nhân vật, của sự sống và cái chết.
Từ năm 1501 – 1504, Michelangelo dành thời gian để tạo nên kiệt tác cho nhân loại, đó là bức tượng người anh hùng David của người dân Hebreuca đã chiến thắng người khổng lồ Goliat. Bức tượng được xem là một sự hoàn thiện mẫu mực về vẻ đẹp thể chất và vẻ đẹp tinh thần của con người. Pho tượng cao 5,5m này được đặt ở trước trụ sở hành chính của thành Phlorangxo. Đây là niềm tự hào của người dân thành phố, họ coi David là một “người khổng lồ” là biểu tượng sức mạnh của con người.
Tượng David
Những năm cuối đời là những năm sáng tác đẹp đẽ của ông. Tác phẩm tiêu biểu nhất là bức “Sự phán xét cuối cùng” và cảnh Chúa giáng thế trên trần nhà Nguyện Sistine.
Các bức bích họa trong nhà nguyện Sistine Bức bích họa trên trần nhà nguyện Phán xét cuối cùng Sự sáng tạo ra con người Raphael Santi (1483 – 1520)
Khác với Leonar, Raphael không phải là nhà sáng tạo ra cái mới. Vì nghệ thuật của ông có ý nghĩa không phải ở chỗ khám phá ra con đường mới mà là ở chỗ đã tổng hợp thành tựu của những người đi trước. Ông cùng với Leonar, Michelangelo tạo nên chuẩn mực, định hình cho sự phát triển phong cách nghệ thuật phuc hưng.
Thành phố Phlorangxo đã khiến Raphael thành công và được nhiều nhà bảo trợ hào phóng giúp đỡ. Đây cũng là thời kì ông vẽ nhiều tranh về đề tài Đức Mẹ. Trong đó nổi tiếng là tác phẩm ” Đức mẹ của Đại công tước” được ông vẽ theo yêu cầu của Đại công tước. Vị này coi tác phẩm là vô giá và luôn giữ bên mình. Ở bức tranh này ta vẫn còn thấy phảng phất nét của Peruganh, nhưng nó đã đạt đến sự mẫu mực, hoàn hảo về đề tài dạng này. Raphael đã tạo được một Madona có thực trên đời, một Madona thơ mộng, dịu dàng như trăm nghìn phụ nữ Ý khác.
Madonna of the Pinks Đức mẹ Đồng Trinh và Chúa hài đồng – Nhà nguyện Sistine The virgin of the rose Nàng La Donna Velata Madonna della seggiola
Năm 1508, Raphael từ dã Phlorangxo đến Roma. Suốt từ đấy đến lúc mất ông sống ở đó và được sự bảo trợ của hai đời Giáo hoàng là Duyn II và Leon X. Nhiều tác phẩm danh tiếng của ông đã vẽ trong thời kí này. Trong đó có một bứ vẽ treo trong phòng “Chữ kí” – phòng quan trọng nhất trong tòa thánh Vatican vô cùng thành công là bức “Trường học Aten”. Nội dung tác phẩm ca ngợi triết học Hy Lạp cổ đại. Nhân vật chính của bức tranh là Praton và Arixtot. Hai người đang tranh luận về quan điểm triết học của mình, Praton chỉ tay lên trời chị Arixtot chỉ tay xuống đất. Điều này thể hiện tư tưởng triết học duy tâm khách quan của Praton và sự dung hợp giữa triết học duy vật và duy tâm của Arixtot. Bức tranh có khoảng 50 nhân vật bao gồm những nhà tiết học, các học giả…
Trường học Athen
Cuộc tranh luận của các vị Thánh
Hoạ sĩ Bô-ti-ce-li (Botticelli 1445-1510)
Bôticeli là hoạ sĩ kết thúc thời kì Phục Hưng. Trong sự nghiệp sáng tác của Bôticeli có nhiều tác phẩm nổi tiếng trong đó có tác phẩm: Mùa xuân, Ngày sinh của thần vệ nữ, Lễ truyền tin,…
Ông là hoạ sĩ kì tài, tranh ông nổi tiếng về mặt dụng công ,đề tài tôn giáo truyên ngụ ngôn và tương huyền nhiệm. Hoạ phẩm của ông còn dễ nhận thấy ở đường nét “trong ngọc, trắng ngà” rất uyển chuyển hoà điệu. Ông tài hoa ở chỗ tinh tế lạ thường, pha thêm không khí sầu tư hóm hỉnh. Vào tuổi già tranh ông vẽ như chìm vào sự lo buồn, nét mặt người trong tranh hốc hác, có lúc lộ vẻ nhăn nhó. Có lẽ ông chịu tác động của tôn giáo và xã hội đương thời.
Bức tranh Mùa xuân Sự ra đời của Thần Vệ nữ Đức mẹ và Chúa hài đồng Đức mẹ và tám thiên thần
Năm 1498, Bôticeli nhận trang trí nhà thờ Phờ-răng-xét-cô Goa-đi. Ở đó ông vẽ bức “Truyền tin”. Tranh được vẽ kĩ ,tả tỉ mỉ, tất cả đều rõ ràng rành mạch. Tuy vậy vẫn có sự tương phản giữa những đường thẳng, sắc cạnh trong những chi tiết tường nhà, nền gạch với những đường cong nếp gấp mềm mại trong sự diễn tả trang phục của hai nhân vật chính. Trong tranh, hoạ sĩ còn tạo sự tương phản về nóng lạnh của màu sắc để diễn tả xa gần. Vẻ mặt Đức Mẹ thanh tú được diễn tả khéo léo về ánh sáng đang cúi xuống được kết hợp với hai bàn tay đưa lên, vừa như muốn ngăn thiên sứ, vừa như chấp nhận sứ mệnh của Chúa trời trao cho.
Lễ truyền tin
Bôticeli là tài năng lớn của thời kì Phục Hưng. Nhà nghiên cứu nghệ thuật người nga Ooc-lô-ra đã viết về ông như sau: “nếu không biết đên sáng tác của ông, thì khái niệm của chúng ta về hội hoạ phưc hưng sẽ không đầy đủ”. Do tài năng, uy tín của ông trong nghệ thuật, năm 1504 Bôticeli được mời tham gia uỷ ban quyết định vị trí đật tượng Đa-vít của Mi-ken-lăng-giơ. Bo-ti-xen-li mất ngày 17 tháng 5 năm 1510. Mặc dù ông qua đời dã gần 500 năm song với những bức tranh với vẻ đẹp chuẩn mực của ông vẫn được công chúng nghệ thuật thế giới nhiều thời đại yêu thích và các thế hệ nghệ sĩ thời đại sau ông học tập.
Bạn đang đọc nội dung bài viết Lịch Sử Văn Minh Châu Âu (5): Phục Hưng trên website Welovelevis.com. Hy vọng một phần nào đó những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp là rất hữu ích với bạn. Nếu nội dung bài viết hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!