Những Cái Tên Trong Hồng Lâu Mộng
--- Bài mới hơn ---
Tất cả những cái tên xuất hiện trong chương một của Hồng Lâu Mộng đều xứng đáng được phân tích kỹ càng. Ngay từ chương này, người đọc đã tiếp xúc với những địa danh mang màu sắc huyền bí, thần thoại: Đại Hoang Sơn (ngọn núi của sự hoang đường lớn) và Vô Kê Nhai (vách núi không có căn cứ, không được ghi lại). Từ hai cái tên trên có thể suy ra hai điều: những điều xảy ra từ nay về sau nói là mộng cũng được, là thực cũng được, hư hư ảo ảo, giả giả chân chân không biết đâu mà lần. Hơn thế nữa, việc bà Nữ Oa luyện đá vá trời cũng như việc họ Tào lấy chữ dệt lên câu chuyện Hồng Lâu Mộng, nói cho cùng, chỉ là hành động vô nghĩa, phi lý, không có ảnh hưởng gì tới cuộc sống thực. Đây là cái nhìn nhuốm màu sắc bi quan. Nhân vật chính (Bảo Ngọc) lại chính là hòn đá thừa thãi không được sử dụng đầu thai mà thành. Có thể suy ra rằng Tào Tuyết Cần đã gửi vào Hồng Lâu Mộng tinh thần chán nản, bất đắc chí vì thất bại trong đường hoạn lộ. Ba vạn sáu ngàn năm trăm hòn đá vá trời, kích cỡ cao mười hai trượng, vuông hai bốn trượng, tất thảy đều được trọng dụng, chỉ trừ có “Thạch huynh”. 36500 là số ngày trong năm nhân với 100 lần, 12 và 24 là số tháng trong năm và số giờ trong ngày. Những chi tiết này ám chỉ rằng: câu chuyện về hòn đá có ý nghĩa vượt thời gian.
Hòn đá bị bà Nữ Oa bỏ rơi tại Thanh Ngạnh Phong (đỉnh núi có cây xanh). Nghe qua thì tưởng chỉ là miêu tả đơn thuần, nhưng hai chữ “thanh ngạnh” lại hài âm với “tình căn” – cái gốc của tình. Nhờ vậy ta biết Hồng Lâu Mộng là câu chuyện của tình, và hòn đá này chính là cội rễ của lưới tình. Tiếp theo đó, hòn đá gặp hai vị Mang Mang đạo sĩ và Diểu Diểu chân nhân. Mang Mang miêu tả không gian mênh mông, rộng lớn. Diểu Diểu có nghĩa xa xăm, mờ ảo. Kết hợp lại ta có từ “diểu mang” (miaomang): không thật, không đáng tin. Hai người này đã mang hòn đá về chốn hồng trần, nhưng chính bản thân họ cũng là những sứ giả của sự mơ hồ. Về sau, một đạo nhân tên là Không Không (không tồn tại của không tồn tại, nghĩa là tột cùng của không) vì ngẫm nghĩ câu chuyện hòn đá mà đổi tên thành Tình Tăng (nhà sư tình). Điều này chứng tỏ câu chuyện hòn đá có sức cảm hoá ghê gớm, có khả năng biến không trở thành sắc (tình).
Ba vị Không Không, Mang Mang, Diểu Diểu
Mấy chứ “Điếu hồng hiên” đồng âm với “Điếu hồng trần” – khóc cho trần gian. Chưa cần đọc đã hiểu Hồng Lâu Mộng tràn đầy bi kịch. Tiền kiếp của Bảo Ngọc và Đại Ngọc gặp nhau bên hòn đá Tam Sinh (ba kiếp) ám chỉ tình duyên của đôi trai gái này sẽ phải trải qua ba lần đầu thai mới có thể ở bên nhau. Khi Bảo Ngọc và Đại Ngọc gặp nhau mới là kiếp thứ hai, vì vậy số mệnh buộc phải chia lìa. Tiền kiếp của Đại Ngọc rong chơi ở tầng trời Ly Hận (hận vì phải xa nhau), ăn quả Mật Thanh (điều bí mật) uống nước bể Quán Sầu (nước để tưới sự buồn), tất cả đều báo trước cuộc tình thê thảm của nàng.
Nhân vật dưới trần đầu tiên xuất hiện là Chân Sĩ Ẩn. Cái tên này có hai nghĩa. Thứ nhất, Chân Sĩ Ẩn hài âm với Chân Sự Ẩn, có nghĩa là giấu giếm đi nhưng sự thực. Tên tự Chân Sĩ Ẩn hài âm với Chân Sự Ẩn, có nghĩa là sự thật bị ẩn giấu đi. Chân Sĩ Ẩn lãnh vai trò dẫn dắt Hồng Lâu Mộng – một câu chuyện nửa hư nửa thực, ấy là dùng mộng để nói đời. Tên thật của nhân vật này là Chân Phí, lại đồng âm với Chân Phế, nghĩa là đồ vô dụng, phế phẩm. Nếu Chân Sĩ Ẩn là phản chiếu của Bảo Ngọc thì có thể kết luận Bảo Ngọc “đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi.”
Thứ hai, Chân Sĩ Ẩn còn có nghĩa kẻ sĩ thực thụ (chân sĩ) trốn tránh sự đời (ẩn). Điều này nói lên bản chất cương trực, không màng danh lợi, lánh đời của họ Chân, về cơ bản giống với tính cách và quá trình giác ngộ của Bảo Ngọc.
Ngược lại, người hàng xóm xấu tính của Chân Sĩ Ẩn là Giả Vũ Thôn lại ham mê phù hoa. Giả Vũ Thôn có ba tên gọi khác nhau: tên chữ Giả Vũ Thôn đồng âm với Giả Ngữ Thôn (lời quê mùa không thật,) tên tục Giả Hoá đồng âm với Giả Thoại (lời giả dối,) và Giả Thời Phi đồng âm với Giả Thực Phi (việc không thật.) Qua đó có thể thấy nhân vật này là biểu tượng cho sự giảo quyệt, xảo trá. Số phận lên voi xuống chó của Giả Vũ Thôn là ẩn dụ cho sự thăng trầm của Giả phủ, một nơi hiểm ác và giả tạo. Thế nhưng tuy tính cách hoàn toàn trái ngược, Chân Sĩ Ẩn và Giả Vũ Thôn lại vô cùng thân thiết với nhau. Điều này ám chỉ rằng trong Hồng Lâu Mộng, sự thật (chân) và sự dối trá (giả) cũng quấn quít, đan xen bên nhau, khó có thể phân biệt.
Quay trở lại chương một, con gái của Chân Sĩ Ẩn có tên Anh Liên. Chữ “anh” có nghĩa là dũng cảm, còn “liên” (hoa sen) vừa đẹp vừa trong trắng tinh khôi. Tên cũng như người, Anh Liên (Hương Lăng) là người phụ nữ có nhan sắc và tính cách thẳng thắn, can trường chịu đựng sự hành hạ của Tiết Bàn, nhưng Anh Liên còn đồng âm với “ứng liên” (đáng phải thương xót). Số phận của Anh Liên từ đầu đến cuối Hồng Lâu Mộng buồn nhiều hơn vui do sự tàn nhẫn của Tiết Bàn, sự độc địa của Hạ Kim Quế. Sau này Hạ Kim Quế lại đổi tên nàng thành Thu Lăng. Hoa lăng là củ ấu, nhưng chữ “lăng” còn có nghĩa lăng mộ, chữ “thu” hài âm với “khưu” cũng có nghĩa là mồ mả. Ý đồ nham hiểm của Hạ Kim Quế muốn ám hại Hương Lăng đã được tác giả báo trước từ câu chuyện đổi tên tưởng chừng vô thưởng vô phạt này.
Chân Sĩ Ẩn bế Anh Liên lúc nhỏ
Anh Liên từ thân phận tiểu thư cao quý, do số phận trớ trêu mà trở thành nàng hầu của Tiết Bàn. Ngược lại, a hoàn của Chân Sĩ Ẩn vì đứng hái hoa, liếc nhìn Giả Vũ Thôn mà sau này một trở thành chính thất của quan, được bao người ngưỡng vọng. Tên của a hoàn này là Kiều Hạnh (hoa hạnh mềm mại). Thứ nhất, cái tên nói lên vẻ đẹp ngọt ngào, say lòng của nàng ta. Thứ hai, Kiều Hạnh đồng âm với “kiểu hãnh” – tốt số, may mắn. Cái tên đã nói lên vận mệnh “một bước lên bà” của Kiều Hạnh.
3. Những cái tên báo trước diễn biến câu chuyện:
Trong Hồng Lâu Mộng, nhiều khi tên của nhân vật được sử dụng như một thứ điềm báo nhằm phục vụ cho diễn biến của tác phẩm. Những cái tên này thường thuộc về những nhân vật phụ, ngoài rìa. Họ thường chỉ xuất hiện một lần duy nhất với mục đích dẫn dắt câu chuyện. Đơn cử như anh chàng xấu số Phùng Uyên. Khi được nhắc đến ở chương 4 thì Phùng Uyên đã thành người thiên cổ.
…người bị đánh chết ấy là con một nhà hương hoạn nhỏ, tên gọi Phùng Uyên, bố mẹ chết sớm, không có anh em, sống nhờ một cái gia tài nhỏ, tuổi độ mười tám, mười chín, tính thích chơi bời với đàn ông, không gần gũi con gái. Nhưng đây cũng là oan nghiệp kiếp trước để lại. Một hôm, anh ta ngẫu nhiên gặp nữ tỳ này, nhất định mua về làm thiếp, thề không chơi bời với đàn ông và cũng không lấy người thứ hai nào nữa. Vì thế, việc mua này, đối với anh ta, coi là trịnh trọng lắm, hẹn ba hôm sau, tốt ngày, mới đón về. Ngờ đâu đứa bán người lại ngấm ngầm đem con nữ tỳ bán cho nhà họ Tiết. Nó muốn cuỗm tiền của cả đôi bên rồi trốn đi. Ai hay nó chạy không thoát, cả hai đều bắt được, đánh nó gần chết. Nhưng sau đó không nhà nào muốn lấy lại tiền, chỉ đòi lấy người. Công tử họ Tiết sai đầy tớ đánh công tử họ Phùng một trận nhừ tử, khiêng về nhà, ba ngày sau thì chết.
Phùng Uyên là nạn nhân của Tiết Bàn. Chữ Phùng còn có thể đọc theo nghĩa 逢 (gặp phải), chữ Uyên lại hài âm với chữ Oan 冤 (oan khuất, oán hờn). Sự bất hạnh của Phùng Uyên đã được báo trước ngay từ cái tên.
--- Bài cũ hơn ---