CHIÊU ANH CÁC TRONG SỰ VẬN ĐỘNG CỦA VĂN HÓA, VĂN HỌC ĐÀNG TRONG
Chiêu anh các – T ao Đ àn của Hà Tiên TK XVIII, cho đến nay, đặt ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ và đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi thú vị trong quá trình nghiên cứu và xác định vai trò, tầm vóc và ý nghĩa của tổ chức văn học mang tính xã hội này.
Chiêu anh các có phải là sản phẩm có tính lịch sử, nghĩa là sự ra đời của tao đàn này là kết quả của một sự vận động nội tại của văn học, văn hóa vùng Hà Tiên?
Phải chăng không xuất hiện tính kế thừa giữa tao đàn trước (ví dụ Tao đàn nhị thập bát tú của Lê Thánh Tông) với tao đàn kế sau, là Chiêu anh các). Nghĩa là nó ra đời độc lập, không diễn tiến theo tiến trình chung của xuất phát điểm là văn học phía bắc đất nước, mà hình thành từ một thực tế khác?
Nội dung thù tạc, ngâm vịnh là nội dung chủ yếu của thơ Chiêu anh các, điều đó có nói lên ý nghĩa của việc thành lập, tồn tại của tao đàn?
Sự tham gia có tính quyết định của giới cầm quyền đối với sự hình thành Chiêu anh các (các tao đàn khác như Nhị thập bát tú, Thi xã Mặc Vân cũng có vai trò lớn của những người có uy thế quyền lực trong xã hội) khác với các tổ chức văn hóa, văn học tự phát ở xã hội hiện đại.
Những bài thơ của Chiêu anh các giới thiệu Hà Tiên với bạn đọc cả nước, góp phần quan trọng lưu truyền các địa danh Hà Tiên, điều này có khác và giống thơ ca Trung Quốc làm cho phong cảnh Trung Quốc thành nổi tiếng như Phong Kiều dạ bạc , Hoàng hạc lâu , Bến Tầm Dương ?
Sự hiện hữu của việc lưu giữ, giới thiệu thơ nôm và đánh dấu sự phát triển thơ nôm Nam Bộ hay chính xác là miền cực nam đất nước.
Sự truyền lưu thơ Chiêu anh các ra cả các tỉnh phía Bắc, biểu hiện là Lê Quý Đôn và nhiều người khác cùng thời đánh giá cao thơ ca của tao đàn này, đặt vấn đề nhận thức về các quan hệ khá sớm và cùng thời giữa nhà nho miền cực Nam với Bắc nước Việt. Nghĩa là phần nào đó cho thấy đã có sự thống nhất về phương diện văn học giữa một vùng đất mới với phần còn lại của đất nước, ngay khi đất nước vẫn còn phân tranh.
Sự hình thành một cách hợp tác thành công giữa cư dân bản địa và cư dân “ngoại kiều” nhập cư.
Bấy nhiêu vấn đề có được từ Chiêu anh các, thiết nghĩ, cũng đã cho thấy vai trò của tao đàn này quan trọng không chỉ đối với Hà Tiên mà đối với cả nước, không chỉ đối với văn học mà còn cả văn hóa.
Nếu nhìn nhận Chiêu anh các trong sự tách bạch, không liên hệ với văn học văn hóa Đàng Trong, nghĩa nhìn nhận nó một cách độc lập, thì chắc không thực sự thấy được ý nghĩa của nó như đáng phải được nhìn thấy, phải được đánh giá đúng.
Chúng tôi, vì lí do thời gian và điều kiện tư liệu, không thể đi sâu vào từng vấn đề được đặt ra nhưng trong phạm vi của mình cũng đã thấy được phần nào tính độc đáo, và vai trò của Chiêu anh các trong sự vận động của văn hóa, văn học vùng đất phía cực Nam của xứ Đàng Trong. Trên một vài phương diện cũng cho thấy chính những thành viên Chiêu anh các đã tự ý thức về vai trò của mình ngay trong việc thành lập và trong các văn bản thơ ca của họ về văn hóa, văn học đối với Hà Tiên.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, các tổ chức văn học dưới các tên gọi tao đàn, thi xã thực sự không nhiều, và sự tác động của nó đến cộng đồng xã hội, văn hóa, văn học đến đâu thì dường như vẫn chưa có những nghiên cứu xác định. Nếu có nhiều điều kiện để khảo sát thêm nhiều phương diện khác của mảnh đất mới Hà Tiên trước Chiêu anh các, cụ thể là thơ văn nôm, là sinh hoạt văn học, văn hóa, là quan hệ xã hội, văn hóa giữa các trí thức thời kỳ này với nhau ra sao, trước đấy ra sao, thì chắc chúng ta có thêm nhiều căn cứ để xác định những đóng góp cụ thể của hội tao đàn này, ít nhất là trên bề mặt văn bản được in dấu trong văn học đã được truyền lưu. Dù sẽ có cái gì mới được phát hiện thêm trong tương lai thì ngay bây giờ cũng không thể không khẳng định vai trò của Chiêu anh các đã giới thiệu về Hà Tiên cho chúng ta lâu nay, và cả các thế hệ trước chúng ta rất lâu. Không ít bạn đọc nhiều thế hệ biết đến Hà Tiên qua Chiêu anh các.
Chiêu anh các với chúng ta hiện nay là nguồn tư liệu cực kỳ quan trọng để nhìn nhận một thời kỳ lịch sử văn hóa Hà Tiên và không chỉ của Hà Tiên, mà còn đánh dấu hành trình văn hóa của cha ông trên đường nam tiến, đánh dấu sự kết hợp bản địa và ngoại lai.
Theo thời gian lịch sử, chúng ta thấy có Tao đàn nhị thập bát tú của Lê Thánh Tông TK XV, Chiêu anh các của Mạc Thiên Tích, và thi xã Bình Dương (tên gọi trước đó của thi xã này là Gia Định sơn hội) TK XVIII, thi xã Mặc Vân TK XIX. Trong hệ thống đó Chiêu anh các, về phương diện thời gian là xuất hiện khá sớm, chỉ sau Tao đàn nhị thập bát tú, và trong khi có khá nhiều khác biệt thì có điểm chung là nội dung văn học, nội dung một tao đàn văn học dường như là nổi bật. Cảm hứng văn chương là nguồn cảm xúc chủ yếu của thơ Chiêu anh các. Trong đó phong hoa tuyết nguyệt, cảnh vật, con người ở nơi thanh bình yên tĩnh là nội dung gần như duy nhất ở đây. Cùng thời kì này, các tác phẩm Đàng Ngoài đã nhuốm màu thế sự hay đã có những dấu hiệu của ý thức cá nhân. Xưa nay trong giới nghiên cứu thì văn học là nội dung được khai thác nhiều hơn cả đối với tao đàn này, trong khi những khía cạnh khác, kể cả các cách tham gia của các thành viên, sự xuất hiện với số lượng và vị trí của thơ nôm, tính chủ động tham gia của người bản địa, các yếu tố Đông Á, Đông Nam Á,.. và nhiều điều chưa được giới nghiên cứu phân tích như những đòi hỏi cần phải có khi nghiên cứu đối tượng này.
Văn học Việt Nam xưa nay được khẳng định, cắm mốc bằng những cá nhân hơn là bằng các tổ chức, nhóm hội hay trường phái. Điều đó là nét khác biệt khá rõ đối với thơ Chiêu anh các. Tách thơ ca của từng cá nhân hay tách từng bài riêng lẻ ra thì dù vẫn có những giá trị độc lập, vẫn không nói được gì nhiều hơn như chúng được đặt trong toàn bộ thi phẩm của Chiêu anh các, nhất là trong một thời điểm văn thơ nôm Đàng Trong vẫn chưa thực sự phát triển như các tác phẩm cùng loại ở các tỉnh miền Bắc đất nước. Cái hay của thơ Chiêu anh các là cái hay của một hiện tượng, cái hay của một tổ chức tao đàn được đối sánh trong một điều kiện văn học và văn hóa không đồng đều giữa các vùng trong toàn quốc.
Nếu chúng ta đặt thơ Chiêu anh các trong tình hình văn học TK XVII-XVIII, khi thơ văn Đàng Trong không chỉ “lơ thơ”(1) về số lượng tác phẩm mà còn quá ít ỏi về lực lượng sáng tác, thì sẽ thấy rõ hơn, và tất nhiên sẽ quý hơn những gì được Chiêu anh các để lại. Nói như thế sẽ
được hiểu là càng hiếm càng quý, hiểu như thế không sai, nhưng nếu hiểu như là nó không được sinh thành, kích thích bởi thành quả, thành tựu của một môi trường đã dồi dào sự sáng tạo, cả về số lượng và chất lượng thì đúng hơn với điều chúng tôi muốn hướng đến.
Theo thống kê của Cao Tự Thanh thì văn học Đàng Trong giai đoạn này chỉ có: Ngọa Long cương vãn, Tư Dung vãn của Đào Duy Từ, Thư trả lời Trịnh Tráng của Nguyễn Phước Nguyên, Hoa Vân cáo thị của Nguyễn Hữu Dật và một số bài chưa rõ tác giả như Trấn Ninh trận phú , Văn khao tế quân Nam chết trận Trấn Ninh, Văn ủy tế quân Bắc chết trận Trấn Ninh , cùng một vài tác phẩm được Nguyễn Khoa Chiêm chép trong Nam triều công nghiệp diễn chí (2). Trong số tác phẩm kể trên có tác phẩm được sáng tác bằng chữ Nôm, bằng chính thể thơ nôm, nhất là thể lục bát. Cũng cần lưu ý rằng các tác phẩm Đàng Trong này đã được lưu hành vào đến Hà Tiên không? Và nếu được lưu hành thì có lưu hành đồng đại không? Với quãng cách không gian lưu hành chính của các tác phẩm kể trên là cách biệt địa lý với Hà Tiên khá xa thì sự thể về một sự tương tác văn hóa, sự cộng cảm hay kích cảm với các tác gia Chiêu anh các là thế nào, đến mức nào, có hay không dấu hiệu sự tiếp nhận các thành tựu thơ nôm Đàng Ngoài trong thơ của Chiêu anh các? Trả lời được các câu hỏi đó cũng có nghĩa là nói đến sự phát triển độc lập ở mức nào trong thơ văn nôm Hà Tiên qua Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh . Đồng thời việc trả lời này cũng chứng minh sự thống nhất Nam Bắc đã thực sự hiện diện ở phương diện văn học, như đã nói ở trên, trước khi thông qua cột mốc thơ nôm Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh – một sự thống nhất được thiết lập trước khi thống nhất về địa lý dưới một chính thể quân chủ nhà Nguyễn.
Trong sự giao liên không được thuận lợi, liệu các tác gia trong Chiêu anh các có điều kiện tiếp nhận được sớm các tác phẩm thơ văn khác ở Đàng Trong như Ngọa Long cương vãn , Tư Dung vãn không khi Đào Duy Từ là tác giả ở miền Trung xa xôi. Nghiên cứu ảnh hưởng vẫn là một mảng trống trong khu vực mà chúng ta đang nói tới nên đặt vấn đề văn học Đàng Trong nói chung mà không nói đến những cách biệt địa lý giữa các tác gia trong vùng này với nhau thì hình như chưa nói lên sát thực về sự độc lập nhất định của từng khu vực. Tác gia khác như Nguyễn Hữu Hào lại ở vùng bắc Thuận Hóa có lễ gần với Đàng Ngoài hơn là Đàng Trong mặc dù về “địa lý hành chính”, nếu có thể gọi như vậy, lại thuộc Đàng Trong.
Nhưng sự liên hệ giữa những tác gia tên tuổi mà chúng ta cần tìm có cần thiết hơn tìm một môi trường văn hóa đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc sáng tác của Chiêu anh các? Tư liệu chắc vẫn còn đâu đó mà cúng tôi chưa tiếp cận được, nhưng phải nói rằng nhờ chính văn bản thơ nôm Chiêu anh các mà chúng ta có thể nhận biết rằng, tại Hà Tiên TK XVIII trở về trước, đã hình thành các sáng tác hay nhu cầu sáng tác về thơ nôm. Bằng chứng là khi có sự xuất hiện Chiêu anh các thì ở đây, có sáu thành viên là người Việt (3) thì ngoài mấy người Thuận Quảng, Gia Định, Thuận Hóa có người bản địa Hà Tiên (4) tham gia sáng tác, và điều đó chứng tỏ nơi đây cũng đã từng tồn tại tiềm tàng nhu cầu văn học, nhu cầu sáng tác thơ nôm. Nhu cầu đó phải xuất hiện trong từng thành viên hay có thể nói rằng những thành viên đó đã từng sáng tác mới có thể tham gia bình đẳng với các thành viên khác trong công việc sáng tạo tinh thần này, cũng như việc họ đã được cấu thành trong nhóm chiêu anh, họ đã được lựa chọn vào đây tự nhiên như một anh tài của mảnh đất này vậy.
Cũng có thể nói rằng trước khi tham gia vào Chiêu anh các, những thành viên tự nguyện của đất Hà Tiên, với một mức độ nào đó, đã có ” tên tuổi”, đã ” sáng giá” trong số những người được học hành tử tế của xứ sở này hay tên tuổi của họ cũng đã từng được dư luận đã biết đến.
Không cần thiết phải sàng lọc rõ ràng người bản địa và người di cư cũng đã thấy rằng phải có môi trường, phải có nhu cầu thì địa bàn này mới tạo ra được một tao đàn văn học như thế. Nếu không có một môi trường vốn đã tồn tại như một kích thích tố quan trọng thì chừng ấy
Nếu những người Việt từ Thuận Hóa, Thuận Quảng, Gia Định “vì hâm mộ thanh danh Chiêu anh các, cảm mến phong lưu tài vật đất Hà Tiên mà tìm đến”(5) như Đông Hồ nói thì vùng đất này, trước khi Chiêu anh các ra đời, trong dư luận Đàng Trong, đã là một nơi văn vật nổi tiếng hay tổ chức Chiêu anh các đã tạo được tiếng tăm nhất định trong giới học thức Đàng Trong.
Thứ hai, thơ nôm từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong theo cư dân, theo những người khai phá vùng đất mới này phải có điều kiện đi cùng hay nếu sớm hơn bước chân Nguyễn Hoàng năm 1600, khi ông vào nam, thì cũng không phải là đã có mặt ở đây từ sớm, nhưng sự lan tỏa thơ nôm, với thời gian như thế, đến lúc xuất hiện trong Chiêu anh các, cũng phải nói là khá nhanh và bền vững. Người Việt vào đây chắc mang theo vốn liếng thơ ca nôm của mình và lưu hành trong cộng đồng dân cư vùng đất mới.
Sau khi Chiêu anh các xuất hiện một thời gian, tiếng vang của nó khiến cho những bậc anh tài trên đất nước quan tâm, đánh giá cao, và vì thế Hà Tiên, với sự xuất hiện Chiêu anh các, đã trở thành một trung tâm văn học có uy thế trong cách nhìn của cả nước – điều mà trước năm 1736 chắc không thể dự tính được.
Cũng phải khẳng định việc Chiêu anh các được Nguyễn Cư Trinh, Lê Quý Đôn, Trịnh Hoài Đức giới thiệu trân trọng cũng làm cho tiếng vang của tao đàn này đến với giới trí thức toàn quốc và đồng thời gia nhập vào gia tài văn học đất nước, vào tri thức chung của cộng đồng, khi giang sơn chưa được thống nhất.
1, 2. Chữ của Cao Tự Thanh trong bài Văn học Đàng Trong , in trong Văn học Việt Nam TK X-XIX, những vấn đề lý luận và lịch sử , Trần Ngọc Vương chủ biên, Nxb Giáo dục , Hà Nội, 2007, tr.273.
4, 5, 6. Theo Đông Hồ, Sđd, tr.34, 32.
Nguồn: Tạp chí VHNT